Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những quần thể xây dựng lâu đời và quan trọng bậc nhất tại Thủ đô Hà Nội. Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đào tạo nên hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước, nơi đây còn lưu giữ 82 bia Tiến sĩ của triều Lê và triều Mạc. Với ý nghĩa đó, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã để lại cho chúng ta nhiều giá trị lịch sử trong lòng dân tộc.
- Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trung tâm giáo dục và đào tạo thời trung đại
Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ngay từ thời đầu, nơi đây không chỉ đơn giản là nơi thờ Khổng Tử, mà là nơi đào tạo những người sau này giữ trọng trách lãnh đạo đất nước. Năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ hai, triều vua Lý Thánh Tông, “mùa thu, tháng Tám, dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tranh Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái tử đến học ở đây”.
Ngay từ khi mới xây dựng Văn Miếu, vua Lý Thánh Tông, người đứng đầu nhà nước lúc bấy giờ, đã ấn định đây không chỉ là nơi thờ tự mà còn là nơi giáo dục, là trường học. Việc lập Văn Miếu 1070 và Quốc Tử Giám 1076, là những sự kiện quan trọng, đặt cơ sở ra đời nền giáo dục thi cử ở Việt Nam nói chung, giáo dục truyền thống hiếu học nói riêng.
Trong suốt tiến trình lịch sử, Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn được tu sửa và mở rộng. Năm 1236, Trần Thái Tông “cho Phạm Ứng Thần làm Thượng thư tri Quốc Tử Viện, đưa con em văn thần và tụng thần vào học”.
“Mùa đông, tháng 10, năm 1272, vua Trần Thánh Tông xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám”.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã thực sự trở thành Trung tâm giáo dục cao nhất của nước Đại Việt. Ở đây không chỉ là nơi học tập của các nhà quản lý, lãnh đạo đất nước trong tương lai mà việc giáo dục đã được mở rộng. Trường đã được nâng cấp thành Viện, đứng đầu là quan Thượng thư. Tài liệu dùng trong trường là các kinh điển cao cấp của Nho giáo như: Tứ thư, Ngũ kinh. Nho sinh đến đây học tập để chuẩn bị tham gia các kỳ thi đại khoa giành học vị tiến sĩ – học vị học thuật cao nhất lúc bấy giờ. Vai trò là trung tâm giáo dục lớn nhất cả nước của Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xác lập và khẳng định từ thời Trần, tuy nhiên việc giáo dục và học tập được mở rộng, quy mô nhất vào thời Hậu Lê.
Song song với việc mở rộng đối tượng Nho sinh, nâng cao trình độ học tập tại Quốc Tử Giám, triều đình còn áp dụng nhiều chính sách nhằm đề cao việc học tập, biểu dương thành tích của người học và dạy học tại đó. Ngoài việc đào tạo, Quốc Tử Giám còn có nhiệm vụ Bảo cử Giám sinh với triều đình để bổ dụng làm quan. Hàng năm, 4 tháng trọng, các quan ở Quốc Tử Giám tiến hành khảo hạch Giám sinh, đề cử những người trúng cách đề Bộ lại tuyển dụng khi cần.
Năm 1484, niên hiệu Hồng Đức thứ 15, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu cho dựng bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhằm biểu dương nhân tài, khuyến khích dân chúng học tập. Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn làm thêm nhiệm vụ biểu dương những người xuất sắc, khích lệ việc học hành, thi cử đương thời cũng như hậu thế.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám thời Lê Thánh Tông, có thể nói là một trung tâm giáo dục lớn, xứng tầm một trung tâm đào tạo cao cấp của đất nước. Về mặt kiến trúc, trường có đầy đủ cơ sở vật chất của một trường hiện đại thời đó: có giảng đường, hội trường lớn, ký túc xá cho 300 Giám sinh, nhà kho, thư viện. Về giảng dạy, học tập là những giảng viên, các nhà nho đạo đức trong sáng, học vấn uyên thâm; sinh viên là những người “nghiên cứu sinh” đã đỗ thi hương hoặc trúng từ 1 đến 3 kỳ thi hội (tạm coi tương đương tốt nghiệp đại học bây giờ) đến nhà Giám học tập, rèn luyện để tham gia thi hội và thi đình để trở thành tiến sĩ.
Không khí học tập, giảng dạy thật sôi động. Phạm Đình Hồ trong tác phẩm Vũ Trung tùy bút đã mô tả một buổi bình văn tại nhà Giám với số lượng Nho sinh đông đến hàng ngàn người. Ngoài nhiệm vụ dạy, học và bảo cử, Quốc Tử Giám còn thực hiện việc khảo đính, biên soạn sách vở, in ấn các sách kinh điển Nho giáo để cung cấp cho các nho sinh cả trong và ngoài Giám.
- Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi khuyến khích học tập, tôn trọng hiền tài
Dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc hiếu học, học để làm người, làm việc giúp nước. Một nguyên lý giáo dục theo Nho học và được khái quát thành phương châm là việc đào tạo con người bao giờ “cũng lấy tư tưởng đạo đức làm nền tảng cơ bản, lấy luân lý làm kiến thức”. Mọi bài giảng đều xoay quanh phương châm ấy. Ngay từ khi vỡ lòng, đứa bé đã phải tiếp thu ngay một triết lý sâu sa: Nhân chi sơ tính bản thiện. Đó là một vấn đề triết học từng được tranh luận để dẫn đến thuật cai trị, lễ trị, nhân trị hay pháp trị từ quan niệm kiến thức cơ bản của Mạnh Tử (bản thiện) mà nền giáo dục cũ lấy luân lý làm môn học phổ thông. Khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” đã lấy phương châm đòi hỏi phải quán triệt bình tâm mà xét đó cũng là một kinh nghiệm khá chặt chẽ.
Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu. Ngôi trường trở thành biểu tượng của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của dân tộc.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày càng thể hiện sinh động là một quần thể di tích văn hiến đa dạng và phong phú hàng đầu của Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Với các công trình kiến trúc khá đặc biệt: đó là, Khuê Văn Các, Đại Điện Thành và các hiện vật là chứng tích của nghìn năm văn hiến như: tượng thờ, rồng đá, bia tiến sĩ, thi cử qua các triều Lý, Trần, Lê… Những giá trị văn hóa tinh thần ẩn chứa trong văn hóa vật thể tại mảnh đất địa nhân linh kiệt này đã góp phần quan trọng làm nên truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài, hiếu học của dân tộc.
Vào năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia ghi danh những người thi đỗ tiến sỹ từ khoa thi 1442 trở đi. Một trong những di tích được coi là có giá trị bậc nhất tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là 82 tấm bia tiến sĩ dựng ở hai bên của giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 tấm bia dựng thành 2 hàng ngang, các tấm bia được đặt trên lưng rùa, khắc tên những người thi đỗ, mặt bia đều quay về phía giếng. Các nhà sử học có thể tìm thấy ở đây những tư liệu về lịch sử giáo dục, về những tên tuổi gắn bó với lịch sử dân tộc, quê quán, danh tính những bậc nhân tài được ghi cụ thể, chính xác, thông qua đó có thể xác định tuổi cho nhiều di tích ở những nơi không ghi niên đại.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi thờ phụng bậc khai sáng của Nho học, những tiên hiền, danh nhân của đất nước. Điều đó cho thấy sự sáng suốt của các vị vua thời Lý và sự tiếp nối, kế thừa truyền thống văn hiến gắn với sự nghiệp mở mang bờ cõi của dân tộc. Có thể nói sự ra đời của Văn Miếu – Quốc Tử Giám cùng với nhiều thiết chế Nho học khác là những bằng chứng về một nền văn hiến của dân tộc.
Lê Thánh Tông sau 25 năm làm vua (1460-1484), ngày càng nhận ra vai trò của hiền tài qua thăng trầm của lịch sử. Ông quan tâm đến việc đào tạo, sử dụng và trọng đãi hiền tài. Với tư tưởng này, Lê Thánh Tông đã tổ chức việc học tập, hướng kẻ sỹ vào con đường chính thống của Nho giáo là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trong bốn điều ấy thì tu thân phải là gốc trong mọi ý nghĩ, là hành động suốt cả cuộc đời. Tu thân là phải đạt được ba đức tính nhân – trí – dũng. Trước hết, con người phải giữ được đạo nhân nghĩa, thể hiện được tấm lòng trung với vua, hiếu với cha mẹ. Muốn thực hiện được điều nhân nghĩa ấy thì phải học tập để hiểu được lý lẽ của cuộc sống, nhận thức về mọi vấn đề. Có nhân, có trí vẫn chưa đủ mà còn phải có hành động dũng cảm nữa, nghĩa là phải kiên cường, bất khuất trong thực hiện nghĩa vụ của mình.
Khuê Văn Các trong quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh Phạm Lự
Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã là nơi Nhà nước tổ chức trao các học hàm, học vị cho những trí thức tiêu biểu, khen tặng cho học sinh, sinh viên xuất sắc và tổ chức hội thơ hàng năm vào Rằm tháng Giêng. Đặc biệt, trước mỗi kỳ thi, các sỹ tử đến đây “xin lộc”, “cầu may”. Mỗi dịp xuân về, người dân khắp nơi háo hức đến dâng hương tại Văn Miếu với mong muốn cho con cháu mình học hành tấn tới, “công thành, danh toại”.
- Văn Miếu Quốc Tử Giám với giá trị lịch sử
Qua nghiên cứu, có thể thấy rằng Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, nơi lưu giữ và thể hiện đặc sắc nhất những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam. Tại đây, nơi hội tụ và lan tỏa của bề dày lịch sử và chiều sâu văn hiến vượt qua thời gian với những giá trị nổi bật của chân – thiện – mỹ, của trí tuệ và tri thức của cả dân tộc văn hiến và anh hùng.
Ý nghĩa của việc thành lập Văn Miếu năm 1070 và Quốc Tử Giám năm 1076 không đóng khung trong địa hạt văn hóa. Trong nhân dân vừa giành được quyền tự chủ sau hơn 1000 năm đô hộ, đang dâng lên một sức sống phi thường, ý thức giữ gìn và củng cố độc lập, khẳng định bản lĩnh, là tư tưởng chủ đạo của mọi hoạt động tổ chức, quân sự, văn hóa, đều hướng đến phục vụ sự nghiệp tự cường của dân tộc tộc.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng, nằm giữa Thủ đô Hà Nội, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Trong những giá trị tiêu biểu của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, giá trị lịch sử được đánh giá cao. Vườn bia tiến sĩ trong khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long là biểu tượng lưu dấu quá trình hình thành và phát triển của tầng lớp trí thức Nho học Việt Nam, những người đã tiếp thu và phát huy xuất sắc tinh hoa của các nền văn minh phương Đông để sáng tạo ra cả kho tàng văn hiến Hán Nôm giàu tinh thần yêu nước và bản sắc dân tộc, các giá trị lịch sử văn hóa của các bia tiến sĩ Quốc Tử Giám Thăng Long đã được khảo cứu, tìm hiểu một cách cụ thể. Từ đó khẳng định được vị trí, vai trò to lớn của những tấm sử đá này.
Có thể khẳng định, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê – Mạc, bia tiến sĩ Văn Miếu còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam được thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài của cha ông ta. Chế độ quân chủ tập quyền Việt Nam thời Lê rất trọng dụng nhân tài, coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, là nguồn gốc sự hưng thịnh của đất nước. Điều này thể hiện rất rõ ngay ở tấm bia đầu tiên (khoa 1442): “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”. Tấm bia năm 1448 lại nhắc lại “nhân tài đối với quốc gia quan hệ rất lớn” và “phải có đào tạo sau mới có nhân tài”. Qua đây, cho chúng ta thấy các vị vua nhà Lê, nhà Mạc đã dựa vào Nho giáo, sử dụng tri thức Nho giáo để đào tạo và tuyển chọn nhân tài. Tiêu chuẩn “hiền”, “tài” để tuyển chọn cũng theo quan niệm của Nho giáo. Bia các năm 1556, 1604, 1703, 1763, 1772 phần thêm ý “phải vun trồng, bồi dưỡng nhân tài”. Những điều trên đây cho thấy, chủ trương phát triển giáo dục, trọng dụng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước là một chủ trương được coi trọng hàng đầu.
Bên cạnh đó, khi làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận 82 văn bia Đề danh Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám đều nhấn mạnh điểm độc đáo của bia tiến sĩ Việt Nam là có bài văn (thể ký), còn ở Trung Quốc, bia tiến sĩ không có bài văn, mà chỉ có họ tên người đỗ.
Với giá trị đặc biệt, ngày 09-03-2010, bia Văn Miếu được công nhận là di sản tư liệu thế giới. Đây là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam sau Mộc bản triều Nguyễn được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.
Trong buổi lễ đón nhận Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di sản tư liệu thế giới, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá: Bia tiến sĩ bằng đá đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một tài sản văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam, một biểu tượng tôn vinh đạo hiếu học, truyền thống đào tạo nhân tài bổ sung nguyên khí cho đất nước của nhân dân ta… Bởi vậy, việc bia đá được công nhận là di sản tư liệu thế giới là niềm tự hào, tự tôn của hào khí dân tộc.
Ngày nay, đối với chúng ta, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ có giá trị về lịch sử mà còn là nơi bảo tồn, lưu giữ các hiện vật văn hóa quý báu của cha ông, bảo lưu các hoành phi, câu đối với nội dung phần lớn để tôn vinh đạo học, khuyến học, khuyến tài và ca ngợi Khổng Tử. Các bức hoành phi, câu đối có giá trị ở nhiều mặt: từ nội dung có tính triết lý nhân sinh đến hình thức nghệ thuật viết thư pháp chữ Hán, kỹ thuật sơn son thiếp vàng, chạm khắc tinh xảo của người nghệ nhân Việt Nam… Bên cạnh đó, còn lưu giữ hệ thống các bia đá ghi tên các bậc khoa bảng của dân tộc.
Đoàn Thị Thanh Thúy (Nguồn: Tạp chí VHNT)