Chìa khóa “Chủ động, sáng tạo” cho những thành công và bước ngoặt phát triển
Từ những lớp học tiền thân, truyền thống “Chủ động, sáng tạo” của Nhà trường đã sớm được khởi đầu bằng những việc làm và sản phẩm sáng tạo thiết thực. Đó là những học cụ như loa, buýt-de, ma – níp gỗ, chiếc lò xo bằng cao su gá lắp đàn hồi kiểu đòn bẩy, dùng trong huấn luyện cho lớp “hiệu thính viên”, “báo vụ viên”; là cách lựa chọn nội dung huấn luyện sát thực tế nhiệm vụ, tập trung cho thực hành, nêu cao sự nhiệt tình của giáo viên và say mê học tập của học viên các lớp đào tạo cán bộ tham mưu thông tin, đào tạo cán sự vô tuyến điện, cơ công vô tuyến điện, báo vụ. Đặc biệt là tập tài liệu “Thông tin liên lạc sơ lược” do Cục trưởng Thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy kiêm phụ trách Lớp đào tạo cán bộ tham mưu thông tin khóa 1 chắt lọc từ nhiều nguồn tài liệu và kinh nghiệm để biên soạn; trở thành tài liệu lý luận nghiệp vụ đầu tiên của Binh chủng và tài liệu huấn luyện chính thức của Nhà trường cho các lớp đào tạo cán bộ thông tin những năm kháng chiến chống Pháp… Suốt 70 năm qua, “Chủ động, sáng tạo” từ những khởi đầu thiết thực ấy đã trở thành hoạt động thi đua mạnh mẽ, rộng khắp và đi vào chiều sâu, hình thành nên một giá trị truyền thống tiêu biểu, có ý nghĩa “chìa khóa” cho những thành công, bước ngoặt phát triển của Nhà trường như ngày nay.
Trong kháng chiến chống Pháp, Nhà trường gặp vô vàn khó khăn, gian khổ; thiếu chương trình, tài liệu, mô hình học cụ, phòng học, hội trường, bãi tập, nơi ăn, ở; bữa ăn kham khổ với rau, sắn xào, vừng, lạc, canh măng; quần áo mỏng nhuộm bằng lá cơi; thời tiết mùa đông giá rét, mùa mưa lũ lụt; lại trải qua nhiều lần chuyển vị trí[1], chủ yếu bằng sức người bền bỉ, gùi, thồ, khiêng, vác… Nhưng trong gian khó, tinh thần chủ động, sáng tạo cùng ý chí sắt đá đã được phát huy cao độ.
Thiếu nơi ăn ở và học tập, Nhà trường chủ động tổ chức học viên vào rừng chặt vầu, nứa, cắt tranh, lá cọ để dựng lán; ghép vầu, nứa làm giường nằm, bàn ghế; cưa cắt, đẽo gọt bương, nứa làm dụng cụ đựng cơm, thức ăn, nước uống, rổ, rá, môi, thìa; vừa tích cực củng cố nơi học tập, sinh hoạt, vừa chủ động tăng gia, tự túc một phần lương thực. Để nâng cao tinh thần, bộ đội tự sáng tác, biểu diễn các tiết mục hát, thơ, kịch, tấu, duy trì sôi nổi liên hoan văn nghệ hàng tháng, thể dục, thể thao buổi chiều hàng ngày…
Nổi bật là sự chủ động, sáng tạo trong huấn luyện. Với các lớp cán bộ điện thoại, cán bộ vô tuyến điện, báo vụ, cơ công, cán bộ, giáo viên chủ động biên soạn chương trình, tài liệu trên cơ sở cuốn “Thông tin liên lạc sơ lược”; chọn lọc kinh nghiệm từ tài liệu tổng kết thông tin liên lạc trong chiến đấu, nhất là trong chiến dịch lớn để vận dụng giảng dạy; sưu tầm, biên dịch tài liệu thông tin liên lạc của Trung Quốc và sách chuyên môn kỹ thuật thông tin của nước ngoài để tham khảo. Cán bộ, giáo viên, học viên thi đua sáng kiến, làm thêm nhiều mô hình, học cụ như sơ đồ các loại máy, mô hình máy vô tuyến điện, ma – níp gỗ; tiêu biểu là sáng kiến lắp ráp “hộp đấu dây” thay cho máy “dao động phát tín hiệu âm tần”[2] rất hiệu quả.
Khi đào tạo cán bộ tham mưu thông tin trung cấp và sơ cấp theo yêu cầu chiến trường (1952-1953), điều kiện gấp rút, tài liệu chỉ đủ cho giáo viên và một bản đánh máy cho mỗi tổ học viên. Giáo viên đã sáng kiến ghi lại nội dung chính và câu hỏi, gợi ý để học viên nghiên cứu, thảo luận, giúp hiểu sâu, nắm chắc bài. Tận dụng địa hình rừng núi để học viên thực hành sử dụng khí tài, tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc và rèn luyện hành quân. Lớp cán bộ tham mưu thông tin và chỉ huy thông tin thì nghiên cứu sâu về lý thuyết và thực hành tập bài tổ chức, bảo đảm liên lạc cho chỉ huy đánh công kiên, đánh vận động; cuối khóa học được tham gia tổ chức, bảo đảm thông tin cho chỉ huy diễn tập thực binh đánh cụm cứ điểm có chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu. Nhờ đó, bản lĩnh và trình độ kỹ thuật, chiến thuật của cán bộ, học viên nâng lên rõ rệt. Kết quả đào tạo của Nhà trường đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ kháng chiến liên tục phát triển, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà trường đã chủ động, sáng tạo giải quyết kịp thời những yêu cầu mới về chương trình, tài liệu, giáo viên, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo và kiện toàn tổ chức, củng cố trường, lớp, xây dựng toàn diện Nhà trường; biến quá trình đó thành điều kiện huấn luyện, rèn luyện toàn diện cho cán bộ, giáo viên, học viên sát với đòi hỏi của thực tiễn chiến trường.
Nhà trường đã phối hợp hiệu quả với cơ quan cấp trên và chuyên gia nước bạn, tổ chức thành công lớp tập huấn thông tin cho cán bộ chỉ huy và tham mưu thông tin các trung đoàn, đại đoàn. Nâng cao chất lượng giáo trình, tài liệu chiến thuật; tự lắp ráp nhiều thiết bị phát sóng huấn luyện báo vụ, làm bàn báo vụ, phục vụ các lớp bổ túc cán bộ tham mưu thông tin trung đoàn, đại đoàn bộ binh và lớp cơ công, đài trưởng vô tuyến điện. Với các lớp đào tạo, bổ túc cán bộ trung cấp, sơ cấp tham mưu thông tin, cán bộ sơ cấp chỉ huy thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, đào tạo báo vụ, cơ công, Nhà trường bổ sung chương trình, nội dung đào tạo theo phương châm “cơ bản, toàn diện, thiết thực, vững chắc”, “sát thực tế trang bị, thực tế sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu”. Cử cán bộ, giáo viên tham gia cùng cơ quan Bộ trong nghiên cứu chiến thuật, chiến dịch tổ chức ở các địa hình đồng bằng, trung du, miền núi; trên cơ sở đó biên soạn tài liệu phục vụ giảng dạy. Tích cực nghiên cứu, làm chủ kỹ thuật, đưa vào huấn luyện các khí tài được Cục Thông tin liên lạc đầu tư: máy thu cao cấp, máy phát công suất trung bình và lớn, điện đài cơ động, vô tuyến điện tiếp sức, tổng đài, tải ba nhiều kênh, truyền chữ. Đẩy mạnh tự học, tự rèn với tinh thần “chăm luyện thành tài, miệt mài thành giỏi”.
Từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc; kháng chiến diễn ra khẩn trương, quyết liệt. Các khóa đào tạo được liên tục chiêu sinh, lưu lượng học viên tăng nhanh. Chương trình, nội dung và công tác huấn luyện luôn quán triệt quan điểm “Trọng điểm, thiết thực, huấn luyện cái gì mà chiến tranh cần đến, nắm chắc vấn đề phục vụ tác chiến, sát với chức trách nhiệm vụ của người học khi ra trường”. Chủ động vận dụng vào giảng dạy các tài liệu tổng kết của Bộ về công tác thông tin liên lạc trong các trận đánh điển hình như Đồng Xoài, Núi Thành, Plây Me, Vạn Tường; tài liệu bảo đảm thông tin trong tác chiến đánh địch đổ bộ đường không, đánh địch trong công sự vững chắc, tập kích, phục kích…
Để thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ sơ cấp chỉ huy thông tin dài hạn (3 năm), Nhà trường đã triển khai nhiều cách làm chủ động, sáng tạo. Lựa chọn một số cán bộ, giáo viên giỏi đi sâu nghiên cứu xác định mục tiêu, yêu cầu đào tạo, tiếp thu kinh nghiệm các trường của Bộ, hoàn thành xây dựng chương trình đào tạo thí điểm sau nhiều tháng tiến hành biên soạn, hội thảo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền; đưa vào triển khai đào tạo từ năm 1970. Chọn những cán bộ, giáo viên có trình độ vững vàng để biên soạn tài liệu, giáo trình các môn cơ bản, kỹ thuật cơ sở, khí tài thông tin; biên dịch nhiều tài liệu về kỹ thuật nước ngoài phục vụ đào tạo.
Trong huấn luyện, luôn coi trọng gắn chặt lý luận với thực hành, lấy trình độ thực hành làm thước đo kết quả đào tạo. Phương pháp giảng dạy “gợi mở”, khêu gợi những ý cần thiết để học viên phát huy vốn kiến thức, tích cực tham gia thảo luận. Chủ động nghiên cứu bài học kinh nghiệm từ chiến trường miền Nam[3] vận dụng vào xây dựng tưởng định sát thực tiễn chiến trường, nâng cao chất lượng diễn tập, rèn luyện tổng hợp cuối khóa. Ưu tiên huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật nghiệp vụ với phương châm “lấy huấn luyện chiến thuật làm trung tâm, lấy kỹ thuật nghiệp vụ làm cơ sở”. Công tác chỉ đạo, điều hành huấn luyện vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt: Giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, thì thay đổi thời gian huấn luyện, học tập, rèn luyện hợp lý, tránh đông người giờ cao điểm; địa bàn rộng, đơn vị học viên xa cơ quan Hiệu bộ thì đưa giáo viên xuống đơn vị vừa quản lý, vừa dạy học.
Chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng cao với nhiều cách làm hiệu quả; chủ động bổ sung về số lượng, tổ chức hoạt động phương pháp, cử giáo viên đi đào tạo trong nước, đi học tập tại Hungari; chủ động đề xuất với trên cho cán bộ, giáo viên đi thực tế chiến trường[4]. Qua đó, thiết thực nâng cao bản lĩnh, kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên và bổ sung chương trình đào tạo. Đặc biệt, đã chủ động cử cán bộ, giáo viên giàu kinh nghiệm, gấp rút tham gia biên soạn tài liệu về tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến dịch tiến công địch ở thành phố, thị xã, đưa vào chương trình giảng dạy; sẵn sàng cho chiến dịch tiến công và nổi dậy toàn miền Nam thắng lợi.
Trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc đổi mới, tinh thần chủ động, sáng tạo được đẩy mạnh lên những tầm mức mới, trở thành hoạt động thi đua sâu rộng trên các mặt công tác của Nhà trường, góp phần tạo nên những thành tựu, bước ngoặt lớn và mở ra điều kiện phát triển Nhà trường trong thời kỳ mới.
Đón trước yêu cầu nhiệm vụ, Nhà trường đã động viên mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng sáng tạo của toàn đơn vị, tập trung nghiên cứu, triển khai đồng bộ các khâu trọng yếu, xây dựng đề án, dự án, chiến lược phát triển Nhà trường; xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn tài liệu, xây dựng lực lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật, quản lý, điều hành huấn luyện,… hoàn thành các nhiệm vụ mới và các khoá đào tạo đạt chất lượng cao; với những thành tựu và mốc thời gian nổi bật, như: đào tạo sĩ quan thông tin trình độ cao đẳng, cán bộ kỹ thuật trình độ đại học (1978), sĩ quan thông tin trình độ đại học (1998); đào tạo Trung cấp kỹ thuật thông tin (1990), trung cấp Công nghệ thông tin (2001), cao đẳng Công nghệ thông tin hệ dân sự (2002); giáo dục quốc phòng – an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực Nam Trung Bộ (2009); thành lập Trường Đại học Thông tin liên lạc (2013); đào tạo đại học hệ dân sự và thí điểm giảng dạy một số môn chuyên ngành bằng Tiếng Anh (2014); thành lập và triển khai hoạt động Trung tâm Công nghệ thông tin – Ngoại ngữ (2015); đào tạo Sĩ quan Chỉ huy Tham mưu Thông tin theo phân chuyên ngành, Sĩ quan Chỉ huy Tham mưu Tác chiến Không gian mạng (2019); triển khai xây dựng Nhà trường thông minh, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo (2020)…
Đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy học, phương thức đánh giá kết quả học tập của học viên, sinh viên theo tiếp cận năng lực; chú trọng nâng cao năng lực thực hành, phát huy tính sáng tạo của người học, kết hợp giữa trang bị kiến thức với truyền thụ kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng làm việc. Chủ động đổi mới nâng cao chất lượng dạy – học tiếng Anh và giảng dạy một số môn chuyên ngành bằng tiếng Anh; liên kết và tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhất là đi đào tạo tiếng Anh ở nước ngoài như: Singapore, Úc, Mỹ,…. Chất lượng dạy học tiếng Anh của Nhà trường không ngừng được nâng cao.
Nhà trường đã chủ động, sáng tạo trong nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, giảng viên; làm tốt công tác lựa chọn, tuyển chọn, cử đi đào tạo; xây dựng quy hoạch, cơ chế quản lý chuyên môn, quản lý chất lượng giáo dục; xây dựng tiêu chí về phẩm chất đạo đức, năng lực đối với cán bộ, giảng viên; tập trung bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên đầu ngành, đội ngũ chủ nhiệm bộ môn. Đội ngũ cán bộ, giảng viên đã đáp ứng tốt tiêu chí quy định của một trường đại học[5].
Hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập được đầu tư có tính đột phá, quy hoạch theo hướng phân khu chức năng, bảo đảm tính liên thông, tích hợp, sát với thực tiễn hệ thống thông tin liên lạc quân sự và sự phát triển của khoa học công nghệ. Phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng thông minh hóa, Mạng LAN, Internet, thư viện điện tử, máy tính được trang bị đến các giảng đường, các bộ môn, đơn vị học viên, nơi làm việc. Phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sản xuất mô hình học cụ, nghiên cứu khoa học, sáng tạo và ứng dụng công nghệ giáo dục phát triển mạnh mẽ, có nhiều ý tưởng và sản phẩm đột phá. Cùng với đó, Nhà trường tích cực, chủ động mở rộng hợp tác, liên kết trong giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp có uy tín theo mô hình gắn kết giữa Nhà trường – đơn vị – doanh nghiệp. Phối hợp đăng cai tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế có uy tín cao.
Truyền thống “Chủ động, sáng tạo” còn được thể hiện và phát huy mạnh mẽ thông qua các đội tuyển Nhà trường tham gia các cuộc thi quốc tế, Quốc gia, Quân đội, Binh chủng và đạt giải cao, như: Chứng chỉ tin học quốc tế trong cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới (MOSWC); Cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam; Hội thi Olympic Toán học, Vật lý, Tin học sinh viên toàn quốc; Hội thi Olympic các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí minh toàn quân…
Mấy suy nghĩ về biểu hiện, nguồn gốc của truyền thống “Chủ động, sáng tạo” và ý nghĩa đối với việc phát huy truyền thống này trong bối cảnh mới
Từ lược khảo lịch sử cho thấy, truyền thống “Chủ động, sáng tạo” của Nhà trường biểu hiện một cách sinh động, từ tư duy đến hành động, từ chủ trương, kế hoạch đến các phong trào thi đua và kết quả trong thực tiễn; tựu trung lại ở những thói quen tư duy, lối làm việc tích cực đề cao sự chủ động và sáng tạo đã phát huy hiệu quả thực tiễn, được mọi tổ chức, mọi người thực hiện và trao truyền qua các thế hệ. Đó là những thói quen tư duy, lối làm việc luôn nhạy bén nắm bắt xu thế phát triển, bám sát và xuất phát đầy đủ từ thực tiễn nhiệm vụ; chủ động về chủ trương, chiến lược, dự án, kế hoạch, giải pháp, nhất là trong xây dựng nguồn lực, giáo dục đào tạo, mở rộng hợp tác và phát triển Nhà trường; sát sao, năng động, tìm cách tiếp cận, cách nghĩ, cách làm mới, trúng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, giải quyết vấn đề thực tiễn và trong giảng dạy, học tập, rèn luyện, công tác; đột phá trong tư duy, phương pháp, kết quả nghiên cứu khoa học; lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, say mê sáng tạo và đấu tranh với biểu hiện thụ động, ỷ lại, rập khuôn, ngại đổi mới hoặc chủ quan, tùy tiện. Thực tiễn đã chứng tỏ, những thói quen và lối làm việc tích cực được lưu truyền đó là cái làm nên giá trị của truyền thống “Chủ động, sáng tạo”, là yếu tố có ý nghĩa “chìa khóa” cho tư duy và thực tiễn phát triển Nhà trường. Cũng chính những giá trị tốt đẹp đó đã, đang và sẽ góp phần làm nên sự tươi mới của tinh thần đoàn kết, kỷ luật; tạo sức bật mới để vượt khó vươn lên, làm chủ kỹ thuật, dạy tốt, học tốt; hợp thành sức mạnh to lớn để Nhà trường không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thực tiễn 70 năm xây dựng, trưởng thành của Nhà trường cũng đã chứng tỏ, truyền thống “Chủ động, sáng tạo” của Nhà trường được hình thành, bồi đắp dựa chắc trên những cơ sở tư tưởng và thực tiễn. Đó là sự thấm nhuần các nguyên tắc lý luận và phương pháp luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, Quân đội và của Bộ đội thông tin liên lạc; bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà thường xuyên trực tiếp là Thường vụ, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc; xuất phát từ đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của Binh chủng và chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường; hình thành qua thực tiễn lãnh đạo, quản lý, giảng dạy, nghiên cứu, công tác, học tập, rèn luyện và xây dựng Nhà trường; được xây dựng, phát huy, trao truyền bởi lớp lớp các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Nhà trường qua các giai đoạn phát triển.
Truyền thống “Chủ động, sáng tạo” không phải chỉ thuần túy ý chí, không dừng lại ở giải pháp cụ thể, hay những nỗ lực và sản phẩm sáng tạo nhất thời, mà được xây dựng trên cơ sở khoa học vững chắc, có mục tiêu và bản chất chính trị sâu sắc, gắn liền với nhiệm vụ và đặc điểm chuyên môn giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học thông tin liên lạc quân sự. Truyền thống ấy vừa mang những nét chung bản chất truyền thống của dân tộc, của Đảng, Quân đội, Binh chủng, vừa thể hiện những nét riêng đa dạng, độc đáo, nhất là về chuyên môn và phong cách tư duy, sư phạm.
Truyền thống “Chủ động, sáng tạo” đã sớm được hình thành, bồi đắp, phát huy trong suốt chiều dài lịch sử vô cùng phong phú, sinh động và không ít gian khổ, hy sinh, trở thành một sức mạnh bền vững. Chính từ những biểu hiện, nguồn gốc thể hiện tính khoa học và từ thực tiễn sinh động đó mà những giá trị của truyền thống “Chủ động, sáng tạo” trở thành tài sản tinh thần quý báu, được chắt lọc, hòa quyện vào tư duy phát triển, hợp thành hệ giá trị cốt lõi của chiến lược phát triển Nhà trường trong thời kỳ mới: Tri thức – Đạo đức – Sáng tạo – Năng động – Hội nhập.
Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số, phát triển kinh tế sáng tạo, phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Quân đội tập trung xây dựng theo hướng tinh, gọn, mạnh, “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, một số lực lượng hiện đại để đến 2030 xây dựng quân đội hiện đại. Binh chủng xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh thuệ, hiện đại”. Nhà trường tiếp tục thực hiện nhiều đề án, dự án lớn, đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác và quan hệ quốc tế, xây dựng Nhà trường thông minh, vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo…
Con đường để truyền thống “Chủ động, sáng tạo” của Nhà trường tiếp tục được gìn giữ, trao truyền, phát huy và tỏa sáng trong bối cảnh mới chính là thông qua việc không ngừng quan tâm chăm lo hơn nữa những yếu tố nguồn gốc, bản chất của truyền thống ấy; như cây sâu rễ, vững gốc thì tươi hoa, tốt trái. Tính khoa học, bản chất, mục tiêu chính trị và cơ sở thực tiễn sẽ làm cho truyền thống quý báu của Nhà trường ngày càng ăn sâu, bám rễ trong đời sống bằng việc làm cho thấm nhuần hơn nữa các nguyên tắc lý luận, phương pháp luận Mác – Lênin, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; các giá trị truyền thống, đặc biệt là truyền thống sáng tạo của dân tộc, của Đảng, quân đội, Binh chủng; các quan điểm, đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương và tổ chức đảng các cấp. Gắn việc quán triệt yêu cầu nhiệm vụ của Binh chủng, Nhà trường và của từng cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị với việc rèn luyện thói quen tư duy, làm việc sáng tạo, tránh thụ động, rập khuôn, máy móc. Đề cao tinh thần chủ động, sáng tạo trong các nội dung, mục tiêu, biện pháp của phong trào thi đua quyết thắng. Đặc biệt, từng tổ chức và cá nhân cần được tiếp tục phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, tác phong, nền nếp, phương pháp làm việc đáp ứng yêu cầu mới, không ngừng nuôi dưỡng ý chí, khát vọng và nguồn cảm hứng sáng tạo, cống hiến, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Trước đòi hỏi của thực tiễn đổi mới, thành tựu sáng tạo sẽ ngày càng dày thêm. Nhiều kết quả sáng tạo vốn đã phát huy tác dụng tích cực cũng dần được thay thế bởi kết quả sáng tạo mới, để rồi bình yên lắng vào lịch sử trong một sứ mệnh mới – sứ mệnh lưu giữ và lan tỏa giá trị truyền thống. Đó là quá trình tất yếu của thành công, của hành trình Nhà trường cùng Bộ đội Thông tin liên lạc tiến thẳng lên hiện đại và của quá trình bồi đắp, trao truyền các giá trị truyền thống. Trong bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo là con đường để thích ứng và phát triển bứt phá, nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện nhiệm vụ và hình ảnh, vị thế, uy tín của Nhà trường. Với thế hệ trẻ, phát huy truyền thống “Chủ động, sáng tạo” cùng các giá trị truyền thống của Nhà trường là trách nhiệm và sự tri ân với thế hệ cha anh; là con đường hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện, công tác, cống hiến và làm giàu thêm ý nghĩa cuộc sống, làm sâu sắc thêm niềm tự hào cùng tình cảm gắn bó với Trường Sĩ quan Thông tin Anh hùng – Ngôi trường giàu khát vọng, truyền thống sáng tạo và tiềm lực phát triển; nơi chắp cánh cho ước mơ của tuổi trẻ mãi vươn cao cùng cánh sóng thông tin trong thời kỳ mới!
PGS. TS. Phạm Văn Huynh
(Tạp chí Khoa học – Đào tạo Thông tin liên lạc)
[1] Năm 1952 di chuyển 3 lần qua các địa điểm thuộc Định Hóa, Thái Nguyên: tháng 3, rời Bản Piềng chuyển lên xã Phượng Tiến; 2 tháng sau, chuyển về Bản Lá dưới chân núi Hồng; tháng 11, chuyển về khu vực Bản Dịn, Bản Dục. Đầu năm 1953: từ Bản Dịn, Bản Dục chuyển về xã Bộc Nhiêu, huyện Đại Từ.
[2] Sáng kiến của đồng chí Lê Dung – Trưởng ban huấn luyện, giáo viên huấn luyện các lớp đào tạo báo vụ và cơ công; ưu điểm: cùng lúc có thể phục vụ cho toàn bộ học viên tự kiểm tra tín hiệu, giáo viên cắm phích theo dõi, uốn nắn từng học viên; nhờ đó tăng thời gian thực hành và chất lượng huấn luyện thu, phát báo.
[3] Kinh nghiệm về: bảo đảm thông tin liên lạc trong đánh tiêu diệt lớn, tiến công vận động, vận động tiến công kết hợp đánh chốt, đánh địch trong đô thị, đánh giao thông, đánh điểm cao, rừng rậm; thông tin liên lạc trong tác chiến bộ đội đặc công, tác chiến hiệp đồng binh chủng, đánh liên tục dài ngày, đánh cả ban ngày và ban đêm…
[4] Tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (01/1971); tham gia chi viện cho chiến trường Quảng Trị (9/1972); nhiều lần tham gia nghiên cứu các trung tâm thông tin của Mỹ – ngụy tại vùng mới giải phóng.
[5] Tháng 8/2021: Giảng viên có trình độ sau đại học chiếm 70,64%, trong đó tiến sĩ 11,91% ; 02 đồng chí được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; 11 đồng chí là Nhà giáo Ưu tú; 07 đồng chí có học hàm Phó Giáo sư.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lịch sử Bộ đội Thông tin liên lạc (1945 – 2015).
- Lịch sử Trường Sĩ quan Thông tin (1951 – 2021).
- 3. Biên niên sự kiện̉ Đảng bộ Trường Sĩ quan Thông tin (1951 – 2016).
- Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc (Tập 1), Hội Truyền thống Bộ đội Thông tin liên lạc Hà Nội, 2012.
- Ký ức thời gian – Tập truyện, ký, thơ và ca khúc viết về Trường Sĩ quan Thông tin, 10/2006.