Bàn về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp

Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và công tác tuyên giáo, góp phần vào việc nâng cao trình độ nhận thức, giáo dục truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh và xây dựng Đảng. Nhìn chung, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ là một công việc đầy vất vả, khó khăn, đòi hỏi người làm công tác biên soạn phải có vốn tri thức lịch sử, phông văn hóa dày dặn, cũng như, phải có phong cách cẩn trọng và nhẫn nại trong công việc.

Ông Lê Văn Quỳnh – Viện trưởng Viện nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt

 

Quy trình biên soạn một cuốn lịch sử Đảng bộ có thể tạm tóm lược trong các nội dung: Xây dựng đề cương – Sưu tầm, thu thập tư liệu – Chọn lọc, nghiên cứu tư liệu – Biên soạn, in ấn và phát hành. Trước khi in thành sách, bản thảo lịch sử phải được tọa đàm, hội thảo tại cơ sở để lấy ý kiến thống nhất, đồng thời được cán bộ có chuyên môn biên tập kỹ lưỡng, kiểm tra sai sót. Tất cả các nội dung công việc ấy là một chuỗi hoạt động phức hợp, có mối quan hệ gắn kết, bổ trợ cho nhau. Dưới đây xin chia sẻ một vài lý luận, thực tiễn trong công tác biên soạn các công trình lịch sử Đảng bộ các cấp.

Người làm công tác biên soạn lịch sử trước hết phải tuân thủ nguyên tắc tư duy khách quan, tôn trọng thực tế lịch sử. Không gán ghép cho hiện tượng lịch sử những gì mà chúng vốn không có, không dựa vào ý muốn chủ quan hoặc lấy ý chí chủ quan áp đặt vào thực tế lịch sử.

Trong thực tế lịch sử, các nội dung, sự kiện, con người đều tồn tại khách quan và có mối liên hệ với nhau. Hơn nữa, những mối liên hệ ấy lại vô cùng phong phú, đa dạng và hết sức phức tạp, như liên hệ giữa con người với sự kiện, liên hệ giữa sự kiện với bản chất… Trong khi đó, nguồn tài liệu mà cán bộ biên soạn thu thập được chủ yếu mang tính tổng kết những kết quả cuối cùng. Để tiếp cận khách quan các mối liên hệ này, cần phải xem xét các vấn đề định biên soạn một cách toàn diện, xem xét đối tượng lịch sử trong một hệ thống, tránh lối tư duy phiến diện, chiết trung. Vận dụng đúng đắn nguyên tắc khách quan, cán bộ biên soạn sẽ có tư duy biện chứng khi kiểm tra, đối chiếu, so sánh và đánh giá các vấn đề lịch sử.

Người làm công tác biên soạn phải tuân thủ nguyên tắc vận động, phát triển của lịch sử. Như một dòng chảy liên tục, lịch sử của một đơn vị vừa có dòng chảy riêng lại vừa nằm trong quá trình vận động và phát triển của lịch sử dân tộc, theo những quy luật tất yếu, vốn có của chúng. Vì vậy để nhận thức đúng bản chất của lịch sử, phải nghiên cứu nội dung, sự kiện lịch sử trong sự vận động và phát triển theo những quy luật phổ biến, khách quan vốn có, theo dòng chảy lịch sử chung. Nguyên tắc này giúp cho quá trình biên soạn trở nên năng động, linh hoạt không máy móc, rập khuôn.

Người làm công tác biên soạn phải tuân thủ nguyên tắc tư duy biện chứng về lịch sử. Các khái niệm về lịch sử, quan điểm lịch sử được bổ sung, điều chỉnh, phát triển trong quá trình nhận thức theo từng thời kỳ, nhưng nó không phủ nhận hoàn toàn các khái niệm về lịch sử, quan điểm lịch sử cũ, mà có sự kế thừa những giá trị hợp lý. Khi phân tích các vấn đề lịch sử, cần phải tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển của chúng, chỉ ra mối liên hệ giữa chúng với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, đồng thời chỉ ra mối liên hệ giữa chúng từ hiện tại tới tương lai. Nắm vững nguyên tắc này giúp cho người biên soạn xem xét, nghiên cứu đối tượng lịch sử một cách công tâm, tránh cho bản thảo trở nên giáo điều, máy móc.

Trước khi bắt tay vào biên soạn lịch sử cho một đơn vị, cán bộ biên soạn đều tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu để có kiến thức tổng quát về đơn vị mà mình sẽ triển khai biên soạn. Cho dù không thể ở mức như những nhân chứng từng chứng kiến lịch sử, nhưng lại có được hình dung biện chứng nhất.

Cán bộ biên soạn phải hình thành một cách sâu sắc bố cục đề cương công trình. Trong quá trình biên soạn luôn nắm rõ kết cấu tổng thể cũng như kết cấu các cấu trúc tiểu mục nội dung. Nhờ đó các bản thảo đều có cấu trúc chặt chẽ, ngôn từ cô đọng, sáng sủa và văn phong phù hợp lịch sử.

Trên tư cách người xây dựng bản thảo nhưng không phải là người trực tiếp chứng kiến hết các nội dung lịch sử, quan hệ giữa cán bộ biên soạn với các nhân chứng sống, với cán bộ sưu tầm cơ sở là không thể thiếu được. Việc gắn chặt mối quan hệ này tạo nên sự chính xác và khách quan những tên tuổi, nội dung, sự kiện lịch sử được đề cập trong nội dung.

 

Viện trưởng Viện nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt – Lê Văn Quỳnh