Giá trị lịch sử của Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân

Ngày 21/12/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tuy ngắn gọn, nhưng chỉ thị hàm chứa đầy đủ nội dung của một Cương lĩnh quân sự. Quán triệt Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào lúc 17 giờ, ngày 22/12/1944, Lễ thành lập Đội được cử hành trong khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đồng chí Võ Nguyên Giáp  tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và nêu rõ nhiệm vụ của Đội.

Chỉ thị thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân (Ảnh tư liệu)

 

Tại Lễ thành lập đồng chí Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ “Đoàn thể ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự phát triển của cách mạng Việt nam đi từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa với chiến tranh cách mạng. Lực lượng tiến hành khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng bao gồm: lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; trong đó, lực lượng chính trị quần chúng là cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Quang cảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh tư liệu

Chỉ thị của Bác Hồ nêu: “Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng” cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao – Bắc – Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.

Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Đối với các đội vũ trang địa phương thì tổ chức đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện “tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến”.

Trong chỉ thị còn thể hiện việc xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đó là sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của dân tộc về xây dựng các thứ quân: “quân triều đình”, “quân các lộ” và “dân binh”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Trong đó, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về lực lượng vũ trang ba thứ quân đã phát triển và từng bước hoàn chỉnh theo quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam: từ xây dựng các đội tự vệ, đội du kích đến xây dựng đội chủ lực; từ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đến Việt Nam giải phóng quân, thống nhất lực lượng vũ trang trong cả nước, Vệ quốc đoàn, Quân đội nhân dân, Quân giải phóng miền Nam, Quân đội nhân dân ngày nay.

Tư tưởng cơ bản nhất của Hồ Chí Minh về chiến tranh đã được nêu rõ trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”. Toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là toàn dân tộc. Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc.

Ông cha ta đã sớm có ý thức đoàn kết chiến đấu để giữ nước, gắn bó Nước với Nhà: “Nước mất thì nhà tan”. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì toàn dân đứng lên đánh giặc. Trần Hưng Đạo đã nói: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, ấy là thượng sách của sự giữ nước”. Nguyễn Trãi cũng đã nói: “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”; “tập hợp bốn phương manh lệ”. Mỗi khi có họa ngoại xâm, dân tộc ta đã nêu cao truyền thống “cả nước chung sức đánh giặc”, “bách tính vi binh”.

Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc, kết hợp với vận dụng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Người luôn luôn nhắc nhở: “phải dựa vào dân, có dân là có tất cả”. Lịch sử đã chứng minh trong gần 80 năm qua, Đảng ta đã động viên được lực lượng toàn dân tham gia hai cuộc kháng chiến to lớn, chưa từng có trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta; do đó đã giành được thắng lợi vĩ đại.

Chỉ thị của Bác Hồ nêu rõ cách đánh của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân: “Về chiến thuật, vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”. Trong chiến tranh toàn dân phải đánh địch bằng mọi cách: đánh du kích và tác chiến tập trung. Tác chiến du kích có vị trí chiến lược trong khởi nghĩa vũ trang với lực lượng tác chiến là những đội du kích, tự vệ. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực đầu tiên nhưng quy mô còn nhỏ nên về chiến thuật, Bác Hồ đã chỉ đạo dùng lối đánh du kích. Từ tác chiến du kích tiến lên tác chiến tập trung và kết hợp chặt chẽ giữa hai hình thức tác chiến đó để tiêu hao, tiêu diệt địch là một nghệ thuật tác chiến đặc sắc của Quân đội ta.

Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân kết thúc bằng hai câu: “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

 

Xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Ảnh tư liệu

Trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, đội quân chủ lực nhỏ bé với 34 chiến sĩ đã không ngừng trưởng thành,  lớn mạnh, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, xứng đáng với sự tin cậy của của Đảng, nhà nước và nhân dân.

Đến nay, Chỉ thị thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân của Bác Hồ vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; tiếp tục soi rọi cho sự nghiệp xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Huy Phương

Tài liệu tham khảo:

Hồ Chí Minh – Toàn tập – Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội – 2011

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2006;

Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử Tổ chức quân sự Việt Nam, Tập 2 (1930 – 1945), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2017

Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử các đội quân tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2004.