Kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 – 7/1/2024), một lần nữa khẳng định ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng của nhân dân Việt Nam là nguồn sức mạnh to lớn, đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đây không những là thắng lợi của tình đoàn kết quốc tế trong sáng, mà còn là sức mạnh dân tộc trong việc giữ nước từ sớm, từ xa.
Bộ đội ta anh dũng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam (ảnh tư liệu)
Ngay sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (30/4/1975) trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, thì ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc, chính quyền Campuchia dân chủ, do tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xari cầm đầu, được sự hậu thuẫn của nước ngoài đã cho quân liên tiếp gây ra hàng loạt vụ xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, cướp phá, giết hại dã man đồng bào ta. Đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, phá hoại mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết liên minh chiến đấu lâu đời giữa hai dân tộc, hai nước Việt Nam – Campuchia.
Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương giải quyết tình hình biên giới Tây Nam bằng con đường hòa bình, hữu nghị; thế nhưng, chính quyền Pôn Pốt – Iêng Xari không những không hợp tác, mà còn tiếp tục cho quân tiến công lấn chiếm lãnh thổ dọc tuyến biên giới Tây Nam. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đồng ý với đề xuất của Quân ủy Trung ương đưa một số đơn vị chủ lực vào phối hợp với lực lượng vũ trang các các địa phương dọc tuyến biên giới kiên quyết đánh trả, trừng trị đích đáng quân xâm lược.
Mặc dù bị đánh thiệt hại nặng nề, nhưng với bản chất hiếu chiến, tư tưởng dân tộc cực đoan, đầu năm 1978, tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari vẫn khước từ mọi nỗ lực thiện chí hòa bình và những đề nghị có tình, có lý của Chính phủ Việt Nam; huy động phần lớn lực lượng chủ lực áp sát biên giới, liên tiếp mở các cuộc tiến công vào lãnh thổ Việt Nam, gây cho ta nhiều thiệt hại lớn về người và tài sản.
Đoàn công tác của Quân tình nguyện Việt Nam đến thăm, cứu trợ đồng bào cam phu sau khi thoát khỏi chế độ diệt chủng (ảnh tư liệu)
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng ta ra nghị quyết về tình hình nhiệm vụ mới, chỉ rõ nguồn gốc, tính chất, đặc điểm của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và đề ra chủ trương phương hướng giành thắng lợi sớm. Đồng thời, để đáp ứng đề nghị khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, tháng 12/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm mở cuộc tổng phản công, tiến công chiến lược trên tuyến biên giới Tây Nam, đồng thời sẵn sàng phương án hỗ trợ các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari, giành chính quyền về tay nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Trung ương Đảng, do có sự chuẩn bị tốt về lực lượng, thế trận. Sau 25 ngày đêm tiến hành tổng phản công, tiến công thần tốc (từ 23/12/1978 đến 17/1/1979) quân và dân ta đã đánh đuổi quân Pôn Pốt ra khỏi lãnh thổ Tổ quốc; đồng thời, đáp ứng đề nghị của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng của Bạn giải phóng Phnôm Pênh (7/1/1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17/1/1979), đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng Xari, giúp Bạn thành lập Hội đồng Nhân dân Cách mạng Campuchia (8/1/1979) – đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân Cam-pu-chia.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, có hiệu quả của Việt Nam, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và từng bước hồi sinh, một lần nữa khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng – nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh đó, Đảng ta đã nhận định, đánh giá đúng tình hình, đề ra chủ trương, đường lối, mục tiêu chính trị, có chiến lược, sách lược đúng đắn, phát huy sức mạnh toàn dân tộc đập tan hành động xâm lược của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Thắng lợi đó để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc là hành động tự vệ chính đáng và cần thiết của Nhân dân Việt Nam chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn Pôn Pốt – Yêng Sary gây ra. Đồng thời khẳng định ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng của Nhân dân Việt Nam là nguồn sức mạnh to lớn, đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt góp phần giữ vững hòa bình, ổn định khu vực và trên thế giới; đấu tranh, vạch trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài.
Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng nhân dân Capuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Người dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường về nước (ảnh tư liệu)
Một là, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi tình huống, vì mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, càng phải dự báo sát tình hình, sớm phát hiện, nhận rõ kẻ thù; xác định, đánh giá đúng đối tượng và đối tác trong từng thời điểm; giữ vững thế chủ động chiến lược, chuẩn bị về tư tưởng, lực lượng, thế trận; sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược của địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Hai là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, nhất là ở những nơi địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo. Việc chủ động, tích cực tham gia xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên, nhất là xây dựng khu vực phòng thủ ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo. Kết hợp phát triển kinh tế – xã hội gắn với xây quốc phòng, an ninh vững mạnh, làm tốt công tác đối ngoại.
Ba là, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao. Lực lượng vũ trang nhân dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong xây dựng nền quốc phòng, an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng và củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; không ngừng nâng cao tiềm lực mọi mặt của đất nước, ngăn ngừa và sẵn sàng đánh thắng các loại hình chiến tranh xâm lược của kẻ thù trong mọi hoàn cảnh; kiên quyết không để bị động, bất ngờ, nhất là trước khả năng địch tấn công từ trên không, trên biển; bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng Quân đội tinh gọn, mạnh hiện đại theo Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị về về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.
Bốn là, nhạy bén nắm bắt tình hình thế giới, khu vực, tăng cường hợp tác, đối ngoại với các nước, nhất là các nước láng giềng. Quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của Đảng; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, nhất là với các nước láng giềng, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Quốc phòng, Biên niên sự kiện Đảng lãnh đạo quân sự và quốc phòng trong Cách mạng Việt Nam (1930 – 2000), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Hội – 2021
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1978-1989)”, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Hội – 2023
Nhiều tác giả, Chiến thắng Biên giới Tân Nam Việt Nam & Dấu ấn quân tình nguyện Việt Nam đối với Cách mạng Campuchia, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội – 2013
VIHC