Xu hướng ứng dụng công nghệ số trong phát triển bền vững kinh tế biển và hàm ý chính sách đối với tỉnh Khánh Hòa

Biển và kinh tế biển là lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh đặc biệt, động lực to lớn cho phát triển của tỉnh Khánh Hòa. Trong thời kỳ mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số được xác định là một trong những giải pháp có ý nghĩa đột phá để phát triển bền vững kinh tế biển; nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và vai trò động lực to lớn của biển, đảo Khành Hòa. Trên cơ sở nghiên cứu, tổng quan những xu hướng nổi bật trên thế giới về phát triển bền vững kinh tế biển và ứng dụng công nghệ số trong phát triển bền vững kinh tế biển, phạm vi bài viết tập trung vào một số lĩnh vực mà tỉnh Khánh Hòa có tiềm năng, lợi thế phát triển mạnh như: Du lịch và dịch vụ biển, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, năng lượng tái tạo.

 

  1. Xu hướng ứng dụng công nghệ số trong phát triển bền vững kinh tế biển

Phát triển bền vững kinh tế biển, theo Ngân hàng thế giới (WB), là tổng thể các hoạt động kinh tế biển đảm bảo sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế, việc làm và “sức khỏe” hệ sinh thái biển [1]. Mô hình tiếp cận toàn diện quản lý kinh tế biển xanh, hướng đến phát triển bền vững đã được Tổ chức Sáng kiến Đại dương thế giới (World Ocean Initiative – WOI) đưa ra trong báo cáo đánh giá cơ hội, thách thức phát triển kinh tế biển bền vững đến năm 2030; nêu rõ ba xu hướng quan trọng: Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ, phát triển hệ sinh thái biển và đảm bảo sự tiến bộ cộng đồng (Hình 1).

Hình 1

Theo mô hình này, các chính phủ và địa phương phải quan tâm đồng thời cả chỉ số về phát triển kinh tế (GDP/GRDP) và 2 bộ chỉ số quan trọng khác là bảo vệ, phát triển hệ sinh thái biển và tiến bộ cộng đồng. Điều này đòi hỏi việc hoạch định chính sách cần dựa trên khoa học và dữ liệu; đặc biệt là những đột phá của xu hướng công nghệ mới như internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI),… đem lại nhiều ứng dụng và giá trị mới [2].

Ứng dụng công nghệ số trong phát triển bền vững kinh tế biển là việc thay đổi mô hình hoạt động kinh tế biển từ truyền thống sang sử dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật, điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo… nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh, văn hóa của tổ chức, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo cân bằng với việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, cải thiện sinh kế, việc làm và “sức khỏe” hệ sinh thái biển. Theo các chuyên gia, một trong những tiêu chí để đánh giá một quốc gia, hay một địa phương biển mạnh, trước hết phải là một quốc gia, địa phương có tiềm lực phát triển khoa học – công nghệ, hiểu về biển và bảo đảm bền vững hệ sinh thái biển của mình.

WOI đã dự báo, với việc ứng dụng công nghệ số, sẽ có “cuộc cách mạng dữ liệu” trong quản lý kinh tế biển bền vững. Trong thập kỷ tới, hình ảnh vệ tinh, cảm biến từ xa, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra lượng thông tin chưa từng có về biển, dữ liệu cần thiết cho việc quản lý hệ sinh thái quý giá này. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển [2]. Có thể nêu một số xu hướng tiêu biểu ứng dụng công nghệ số trong các ngành kinh tế biển:

– Ngành du lịch và dịch vụ biển đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh có giá trị kinh tế, xã hội cao. Nổi bật là xu hướng chuyển từ e-tourism (du lịch trực tuyến) sang smart tourism (hệ sinh thái du lịch thông minh). Smart-tourism dựa trên các cơ sở dữ liệu để mang lại những đổi mới trong cách quản lý các địa điểm du lịch và trải nghiệm của du khách. Nhờ đó, tạo khả năng cải thiện chất lượng và tăng sự bền vững của các mô hình du lịch [3]. Mô hình Smart-tourism bền vững bao gồm 6 mảng chính, mang lại giá trị cao hơn cho khách du lịch, mở ra các cơ hội phát triển kinh tế cho ngành du lịch và cho địa phương (Hình 2). Việt Nam mới bắt đầu trên con đường khai thác tiềm năng, xây dựng ngành du lịch bền vững. Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành Việt Nam đứng thứ 63/140, theo xếp hạng năm 2019 của WEF, cải thiện 3,8 điểm so với năm 2015 [4]. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực; cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch.

Hình 2: Mô hình phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh bền vững

– Ngành nuôi trồng thủy hải sản đang bước vào một cuộc cách mạng mới, với trung tâm của sự thay đổi là dữ liệu và kết nối. Những công nghệ như robotic, cảm biến, trí tuệ nhân tạo, AR/VR… có thể thúc đẩy gia tăng sản lượng nuôi trồng và giúp xây dựng một mô hình phát triển bền vững. Các công ty thủy sản hàng đầu trên thế giới đã và đang ứng dụng IoT và AI trong nuôi trồng và sản xuất. Các công ty này đã bắt đầu bằng việc nghiên cứu ứng dụng các thiết bị có khả năng truyền tải dữ liệu qua các giao thức kết nối trong môi trường nước. Tiêu biểu là cách tiếp cận mô hình nuôi trồng thông minh của các công ty thủy sản, với các thành phần theo Hình 3 [5].

Hình 3. Các thành phần của mô hình nuôi trồng thủy sản 4.0

– Ngành khai thác hải sản hướng tới bền vững nhờ vào việc ứng dụng công nghệ đang là xu hướng chung của toàn thế giới. CMR là công nghệ có thể hỗ trợ trong việc chọn lọc, phân cỡ và vây bắt các loại thủy sản dựa trên các phân tích tiên tiến của các dữ liệu thủy âm. Precision Seafood Harvesting là phát minh của Alistair Jerrett từ Cơ quan Nghiên cứu thực vật và thực phẩm New Zealand, có thể mang lại một cuộc cách mạng về cách thức đánh bắt cá trên thế giới, giúp “thu hoạch chính xác thủy sản”. Công nghệ này cho phép toàn bộ cá khu vực đánh bắt được bơi thoải mái dưới nước bên trong một lưới PVC lớn linh hoạt, nơi nó có thể phân loại chính xác loài và kích thước trước khi đưa cá lên boong tàu. Công nghệ nhằm mục tiêu vào các loài và kích cỡ cụ thể; trong khi các loài có kích cỡ nhỏ hơn, không phải mục tiêu đánh bắt có thể thoát ra ngoài thông qua “cổng thoát hiểm”. Nó giúp cứu hàng tỷ con cá và động vật dưới biển bị mắc kẹt trong lưới rồi bị vứt đi mỗi năm; nhờ đó, mang lại hy vọng cho việc đánh bắt cá bền vững, đồng thời còn cải thiện rất lớn hương vị và chất lượng món cá. Công nghệ sóng siêu âm do Công ty Kongsberg Maritime của Na Uy, Viện Nghiên cứu biển và Tổ chức SIMRAD (Na Uy) phát triển; là một phần của hệ thống tích hợp gồm một máy ảnh dưới nước, tàu đánh cá và bộ truyền sóng âm, giúp cung cấp thông tin cho các tàu cá về những loài và kích thước cá, cách thức để các tàu có thể đánh bắt; xác định kích thước của các ngư trường. Nó góp phần làm cho ngành công nghiệp đánh bắt cá thân thiện hơn với môi trường, bền vững và vẫn mang lại lợi nhuận. Bởi vì, khi ngư trường đánh bắt được xác định chính xác sẽ giúp cho khả năng khai thác tốt hơn. Thông tin về loài và kích thước của cá được xác định, giúp tiết kiệm thời gian, nhiên liệu [6].

– Ngành năng lượng tái tạo được dự báo sẽ chiếm 95% mức tăng ròng của công suất điện toàn cầu đến năm 2025. Quang điện mặt trời (PV) và điện gió là nguồn “nhiên liệu” tự nhiên rẻ nhất. Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IEA), GDP toàn cầu sẽ tăng hơn 1% lên khoảng 1,3 nghìn tỷ USD nếu thị phần năng lượng tái tạo tăng gấp đôi vào năm 2030; mà chìa khóa của vấn đề là Internet và khả năng phân tích dữ liệu thông minh.

Theo các nghiên cứu, số hóa đang trở thành đòn bẩy đặc biệt cho sự tăng trưởng của ngành năng lượng tái tạo; là cách hiệu quả giúp chống lại biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. IoT, Big data và AI đang đưa ngành năng lượng tái tạo sang trang mới. Quyền truy cập vào dữ liệu thời gian thực trên toàn mạng lưới sẽ cho phép các nhà cung cấp đáp ứng những thay đổi của nhu cầu với độ chính xác cao và giảm thiểu lãng phí. Nhờ các cảm biến, việc giám sát trên toàn bộ cơ sở hạ tầng năng lượng theo thời gian thực có thể thực hiện được, giảm nguy cơ hỏng hóc thiết bị và nguy hiểm. Một thiết bị IoT được kết nối với mạng đám mây có thể thu thập và tổng hợp dữ liệu từ tất cả các thiết bị của dự án điện mặt trời, thực hiện tính hoàn chỉnh của dữ liệu và xác nhận chất lượng dữ liệu trực tiếp trên thực địa. IoT trong phát triển năng lượng mặt trời có thể giúp giám sát tất cả các tài sản từ một bảng điều khiển trung tâm, xác định các vấn đề và trục trặc theo thời gian thực. Điều này càng quan trọng khi lượng dữ liệu được tạo ra trong năng lượng tái tạo đang tăng theo cấp số nhân. Dữ liệu hoạt động từ các tuabin gió và hệ thống điện mặt trời đang gia tăng khi các hệ thống này ngày càng được trang bị các cảm biến, do đó biến chúng thành điểm cuối IoT. IoT cho phép truy cập dữ liệu ở hầu hết mọi nơi trên thế giới và có khả năng phân tích dữ liệu để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào ngành năng lượng và tối đa hóa hiệu suất của danh mục đầu tư. Trí tuệ nhân tạo và máy học (ML) với khả năng dự đoán chính xác giúp dự báo nhu cầu và quản lý tài sản được cải thiện. Sáng kiến SunShot của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình khi sử dụng các mô hình thời tiết tự học, bộ dữ liệu thời tiết lịch sử, đo thời gian thực từ các trạm thời tiết địa phương, mạng cảm biến và thông tin đám mây thu được từ hình ảnh vệ tinh. Sáng kiến này cải thiện 30% độ chính xác trong dự báo năng lượng mặt trời, giảm chi phí sản xuất điện.

Theo Công ty Tư vấn Quản trị Boston Consulting Group (https://www.bcg.com/), các nhà cung cấp năng lượng tái tạo có thể giảm chi phí hoạt động từ 60% đến 70% nhờ áp dụng công nghệ kỹ thuật số với quy trình dịch vụ thông minh. Đồng thời, Blockchain góp phần làm cho việc cung cấp năng lượng xanh trở nên an toàn và hiệu quả hơn [7].

  1. Hàm ý chính sách đối với tỉnh Khánh Hòa

            Hiện nay, Khánh Hòa đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020-2025), Nghị quyết số 36-NQTW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đặc biệt, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển. Theo đó, Khánh Hòa phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước vào năm 2025; phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030; đến năm 2045 trở thành địa phương phát triển hiện đại, thu nhập bình quân của người dân thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo địa phương với những mục tiêu và tầm nhìn mới, vận dụng kinh nghiệm và xu hướng quốc tế, có thể đề xuất một số hàm ý chính sách cho tỉnh Khánh hòa về ứng dụng công nghệ số trong phát triển bền vững kinh tế biển; tập trung vào các vấn đề:

Nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ số trong phát triển bền vững kinh tế biển là vấn đề hàng đầu và xuyên suốt trong mọi hoạt động kinh tế biển, cho mọi lực lượng liên quan, đặc biệt là các nhóm lực lượng: quản trị kinh tế biển, doanh nghiệp kinh tế biển, nhân lực công nghệ biển, đào tạo công nghệ biển. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã xác định: Nhận thức đóng vai trò quyết định và vấn đề số một là cần chuyển đổi nhận thức. Chuyên gia về biển, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cũng cho rằng khoa học, công nghệ được xem là khâu tạo đột phá để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; cần tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao. Điều này lại cần phải bắt đầu từ việc thay đổi tầm nhìn chiến lược đối với phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng từng bước xây dựng một nền kinh tế biển xanh. Căn cứ vào tầm nhìn và định hướng mới sẽ lựa chọn các nhiệm vụ, giải pháp khoa học và công nghệ thích hợp. Điều đó cho thấy, quyết tâm và tầm nhìn công nghệ của người lãnh đạo sẽ là điểm khởi phát, lan tỏa cho tổ chức, cho xã hội và cho những chương trình, dự án ứng dụng công nghệ trong thực tiễn. Nội dung nâng cao nhận thức cần tập trung làm cho mọi người, mọi tổ chức hiểu rõ ý nghĩa đột phá của việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế biển; nắm bắt được xu thế và kinh nghiệm thế giới về phát triển kinh tế biển bền vững và những công nghệ số được ứng dụng trong phát triển kinh tế biển; hiểu rõ đặc điểm hệ sinh thái biển liên quan đến từng lĩnh vực hoạt động; đặc biệt quan tâm xây dựng văn hóa số cho mọi người dân và nhân lực kinh tế biển.

Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong phát triển bền vững kinh tế biển là giải pháp có ý nghĩa chìa khóa, then chốt. Các cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp cần chú trọng xây dựng thể chế, chính sách theo hướng khuyến khích sáng tạo và mạnh dạn ứng dụng công nghệ số. Nghiên cứu chính sách, quy định cụ thể về thuế, phí để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số trong phát triển bền vững kinh tế biển. Cùng với đó là hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Xây dựng pháp lý thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ và giải pháp số. Nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông; đảm bảo đầu tư Nhà nước và huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội. Đầu tư xây dựng và triển khai thực thi chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong từng ngành kinh tế biển: Du lịch thông minh; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản công nghệ cao; kinh tế hàng hải và cảng biển; khai thác dầu khí; năng lượng tái tạo và kinh tế biển mới; khoa học và công nghệ biển…

Tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ số và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các đề tài, dự án và chuyển giao công nghệ số trong các ngành kinh tế biển là giải pháp cơ bản, vừa có ý nghĩa lâu dài, vừa là khâu đột phá. Phát triển hạ tầng công nghệ số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phù hợp với đặc thù và đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng trong các ngành kinh tế biển; trước mắt ưu tiên cho các ngành mũi nhọn và thiết thực đối với bảo tồn môi trường biển như: du lịch và dịch vụ biển; nuôi trồng thủy, hải sản; tài nguyên, môi trường biển; năng lượng tái tạo; dầu khí. Giữa đầu tư hạ tầng và nghiên cứu công nghệ phải tạo được mối quan hệ hỗ trợ, thúc đẩy nhau. Trong nghiên cứu sáng tạo, cần chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại việt nam, như tinh thần của Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã xác định. Mọi nghiên cứu sáng tạo và chuyển giao công nghệ phải trên cơ sở khảo sát đánh giá kỹ lưỡng, sâu sát những đặc thù kinh tế biển của tỉnh, nhằm bảo đảm hiệu quả, có hệ thống.

Thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế biển và công nghệ biển thông minh là giải pháp có ý nghĩa đột phá mạnh mẽ, bởi doanh nghiệp là trung tâm của nền kinh tế. Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp kinh tế biển chính là động lực thúc đẩy sáng tạo công nghệ số trong lĩnh vực kinh tế biển. Bên cạnh đó, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế biển và công nghệ biển thông minh là biện pháp phát huy sức sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của người dân, nhất là giới trẻ, sáng tạo những sản phẩm công nghệ, mô hình, giải pháp công nghệ số mới, hữu ích, đột phá, khởi tạo và dẫn dắt xu hướng. Qua đó, thu hút các nguồn đầu tư công nghệ cùng với chất xám của các chuyên gia giỏi, các doanh nhân tài năng từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do đặc thù của lĩnh vực kinh tế biển có nhiều khó khăn, phức tạp trong đầu tư nghiên cứu, nên tỉnh cần có chính sách khuyến khích chủ động, phù hợp, hiệu quả.

Quan tâm bồi dưỡng kỹ năng số cho nhân lực biển và phát triển nguồn nhân lực số trong lĩnh vực kinh tế biển có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì người lao động trong lĩnh vực kinh tế biển, nhân lực biển là trung tâm của quá trình phát triển bền vững kinh tế biển và ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế biển. Thực tế cho thấy, kỹ năng số của nhân lực biển nói riêng, của nguồn nhân lực nói chung còn nhiều hạn chế. Để bồi dưỡng có hiệu quả, từng lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp cần có khảo sát nắm bắt nhu cầu thực tiễn, nắm vững yêu cầu kỹ năng số theo yêu cầu công việc để xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng sát với từng nhóm đối tượng, từng giai đoạn hoạt động. Chú trọng việc chủ động cập nhật nhưng tri thức, công nghệ và kỹ năng mới, hiện đại để bồi dưỡng cho nhân lực biển; gắn với phát huy vai trò chủ động, tự giác của người lao động trong học tập, cập nhật tri thức, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.

Theo các báo cáo, thực trạng nguồn nhân lực công nghệ số hiện nay trong các lĩnh vực nói chung và kinh tế biển nói riêng còn thiếu nhiều về số lượng và có những hạn chế nhất định, chậm cập nhật về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm. Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực số trong lĩnh vực kinh tế biển cần dựa trên khảo sát dự báo sát nhu cầu. Trong đào tạo, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, nội dung, phương thức trong đào tạo. Các cơ sở đào tạo và hoạt động đào tạo cần có kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp số, với thực tiễn sử dụng công nghệ số; đào tạo những ngành và những kỹ năng thực tiễn ứng dụng công nghệ số vào kinh tế biển đang đòi hỏi.

Tăng cường hợp tác quốc tế về ứng dụng công nghệ số trong phát triển bền vững kinh tế biển là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng. Cần chú trọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực: nghiên cứu, chuyển giao công nghệ số; đào tạo nhân lực số; trong phát triển các mô hình kinh doanh công nghệ số, dịch vụ số phục vụ kinh tế biển; huy động vốn đầu tư công nghệ, vốn kinh doanh công nghệ số; trao đổi chuyên gia, hội thảo trao đổi tri thức, kinh nghiệm phát triển và ứng dụng công nghệ số…/.

————————-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đình Đáp, Đoàn Thị Hồng Hạnh (2021), Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam dựa trên nền tảng kinh tế biển xanh, Tạp chí Cộng sản Điện tử.
  2. Digital Strategy (2021), Mô hình tiếp cận phát triển kinh tế biển bền vững, https://digital.fpt.com.vn/linh-vuc/phat-trien-kinh-te-bien-ben-vung.html.
  3. Springer link. Smart tourism: foundations and developments.
  4. World Economic Forum. 2019 Travel & Tourism Competitiveness Index.
  5. FPT Digital (2021), Đột phá tăng năng suất và kiến tạo hướng đi mới với mô hình nuôi trồng thủy sản 4.0, https://digital.fpt.com.vn/linh-vuc/dot-pha-tang-nang-suat-va-kien-tao-huong-di-moi-voi-mo-hinh-nuoi-trong-thuy-san-4-0.html.
  6. Viện KH&CN Khai thác Thủy sản (2021), Một số công nghệ khai thác hải sản hướng tới bền vững, http://vienkhaithac.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-cap-nhat/Mot-so-cong-nghe-khai-thac-hai-san-huong-toi-ben-vung-170208031948.html
  7. Phương Linh (2022), Số hóa mở ra tiềm năng ngành năng lượng tái tạo, https://ictvietnam.vn/so-hoa-mo-ra-tiem-nang-nganh-nang-luong-tai-tao-20220222145618908.htm

 

                                                                                      PGS. TS. Phạm Văn Huynh