Chính sách hải cấm và những tác động đến xã hội của trung quốc dưới thời nhà thanh (1644-1911)

  1. Nguyên nhân nhà Thanh thi hành chính sách Hải Cấm

Hải Cấm – 海禁 hay còn gọi là chính sách cấm biển, nhằm hạn chế các hoạt động buôn bán hàng hải tư nhân và định cư ven biển được Trung Quốc bắt đầu thực hiện đầu tiên vào năm Hồng Vũ thứ 4 (1371) dưới thời nhà Minh và tiếp tục được thực hiện dưới thời nhà Thanh. Trên thực tế, chính sách Hải Cấm không phải là sự tuyệt giao với thế giới bên ngoài mà đó là một biện pháp của chính quyền Trung ương nhằm kiểm soạt các hoạt động và tuyến hải thương, đưa chúng vào hệ thống quản lý chung thống nhất của Nhà nước. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc chính quyền nhà Thanh sau khi lật đổ, thay thế nhà Minh lại không thi hành chính sách khai mở với thế giới bên ngoài mà lại tiếp tục thực thi chính sách Hải Cấm.

Thứ nhất, nguyên nhân khách quan: Sau các cuộc phát kiến địa lí, các quốc gia Đông Á trở thành một trong những đối tượng xâm thực quan trọng nhất của thực dân[1] Bồ Đào Nha, tiếp đó là các cường quốc thực dân khác như Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… Trong thời kỳ này, do nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nguyên liệu, nhân công và đặc biệt là việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, cùng với đó là độc chiếm nguồn nhân công, nguyên liệu và thị trường. Nước Anh trong vòng 70 năm từ năm 1770 đến 1841, lượng bông dùng trong ngành dệt tăng gấp 100 lần. Ngành giao thông vận tải cũng có những thay đổi căn bản, tàu thủy và đầu máy hơi nước bắt đầu được sử dụng phổ biến. Sản lượng than, sắt tăng lên nhanh chóng, đưa nước Anh trở thành một quốc gia tư bản chủ nghĩa mạnh vào bậc nhất trên thế giới lúc bấy giờ.[2] Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, thực dân phương Tây đã tìm đủ mọi cách để xâm nhập và xâm lược các nước Đông Á. Cũng trong thời gian này, các nước Đông Á đã tiến hành kháng cự để đưa nước mình thoát ra khỏi ách đô hộ đó (trong đó có một số nước đã thành công như trường hợp của Nhật Bản và Thái Lan), tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ nghĩa thực dân phương Tây đã lần lượt thôn tính các quốc gia Đông Á.

Trong các quốc gia Đông Á, thì Trung Quốc và Nhật Bản là hai nước sớm thu hút được sự chú ý của các cường quốc phương Tây, bởi vì đây là hai thị trường buôn bán lớn, đem lại nhiều lợi nhuận cho các nhà buôn. Nếu như trước đây các nước Đông Á với nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước – yếu tố căn bản nhất tạo dựng nên nền văn minh rực rỡ của phương Đông một thời, thì nay lại trở thành sức cản, sức ì lịch sử, nhấn chìm mọi sáng kiến cải cách của những nhà tư tưởng tiến bộ. Bên cạnh đó, tư tưởng “trọng nông ức thương”, “bế quan tỏa cảng” cũng góp phần là cho các quốc gia Đông Á ngày càng trở nên nghèo nàn, lạc hậu. Ngược lại, với những cuộc phát kiến địa lý, cộng với sức mạnh vượt trội về khoa học, kỹ thuật không những đưa người phương Tây thoát ra khỏi “đêm trường trung cổ”, đồng thời còn giúp châu Âu có những bước phát triển vượt bậc trong giai đoạn này. Chính những nhân tố đó, đã góp phần quan trọng thúc đây thực dân phương Tây tiến hành xâm lược và thôn tính các quốc gia Đông Á.

Thứ hai, nguyên nhân chủ quan: Sau khi được thành lập, trong những thập niên đầu nhà Thanh đã dồn hết sức lực vào việc chống lại các thế lực phản Thanh của người Hán, cũng như một vài thế lực chống đối khác nhằm phục hưng vương triều đã bị phế truất. Trong giai đoạn này, mặc dù tầng lớp thống trị nhà Hán đã đầu hàng trao lại quyền kiểm soát đất nước cho người Mãn, nhưng trên khắp đất nước Trung Hoa những lực lượng kháng chiến chống lại quan quân nhà Thanh vẫn được tổ chức thành từng nhóm, với hy vọng khôi phục được nhà Minh. Trong số đó, nổi lên một số nhân vật tiêu biểu như:

Trịnh Thành Công, một danh tướng kiệt xuất, một nhà quân sự, chính trị cuối thời nhà Minh. Sau khi nhà Minh sụp đổ, ở khu vực duyên hải Hoa Nam như Chiết Giang, Quảng Đông, Phúc Kiến, một số lực lượng dưới sự lãnh đạo của một vị tướng của Đường Vương là Trịnh Thành Công dưới khẩu hiệu “phản Thanh phục Minh” vẫn tiếp tục nổi dậy kháng chiến chống lại triều đình nhà Thanh. Năm 1647, Trịnh Thành Công đã lui về khu vực Hạ Môn để luyện tập hải quân, chuẩn bị lực lượng tính kế lâu dài. Trong thời gian này Trịnh Thành Công đã nhiều lần mở những cuộc tấn công, quấy phá quân Thanh ở lục địa. Năm 1661, quân đội nhà Thanh mở một tấn công quy mô lớn tấn công thành trì của Trịnh Thành Công ở Hạ Môn, quân Trịnh thất bại buộc ông ta cùng quân lính phải tháo chạy ra biển. Sau thất bại ở Hạ Môn, Trịnh Thành Công dẫn theo các tướng sĩ và gia quyến vượt biển di cư sang đảo Đài Loan. Tại đây, ông đã tổ chức lại lực lượng đánh đuổi người Hà Lan ở đây và chiếm giữ quần đảo này. Sau khi đã chiếm được đảo Đài Loan, Trịnh Thành Công từng bước biến quần đảo này thành một Nhà nước độc lập, một cứ điểm quân sự vững mạnh nhằm hỗ trợ cho các hoạt động chống phá nhà Thanh ở đại lục.

Ngoài thế lực của Trịnh Thành Công, trong khoảng thời gian này nhà Thanh còn phải lo chống đỡ những thế lực chống đối khác. Trước đó, để giành được quyền thống trị Trung Hoa, người Mãn Châu đã phải cần đến sự giúp đỡ rất nhiều từ các tướng lĩnh nhà Minh. Chính vì vậy, sau khi đã bình định được Trung Hoa để đáp lại những công lao của những tướng lĩnh nhà Hán đã giúp người Mãn Châu giành được chính quyền, các vua nhà Thanh đã tiến hành phong vương cho một số tướng lĩnh nhà Hán, đồng thời cử họ đến trấn giữ ở các tỉnh phía Nam. Trong đó, Trong đó, Ngô Tam Quế người có công lớn nhất trong việc dẫn dắt quân đội nhà Thanh vượt qua quan ải tiến vào kinh thành, cũng như trấn áp các cuộc nổi dậy khởi nghĩa của những nông dân, được triều đình nhà Thanh phong cho làm Bình Tây vương, trấn thủ ở Vân Nam; Thượng Khả Hỷ được phong làm Bình Nam vương, trấn thủ ở Quảng Đông; Cảnh Tinh Trung được phong làm Tĩnh Nam vương, trấn thủ ở Phúc Kiến.

Ba lãnh địa đó gọi chung là “Tam phiên”, Ngô Tam Quế, Thượng Khả Hỷ và Cảnh Tinh Trung nhân lúc nhà Thanh còn đang lo ổn định triều chính, đã tiến hành xây dựng lực lượng, tìm cách cát cứ, chống lại chính quyền trung ương. Trong ba phiên đó thì Ngô Tam Quế là người ngông cuồng nhất và cũng là phiên có thế lực mạnh nhất. Năm 1673, Ngô Tam Quế còn ra lệnh cho dân chúng để tóc trở lại, bỏ y phục Mãn Châu trong Tam phiên. Ngô Tam Quế còn liên kết với Thượng Khả Hỷ và Cảnh Tinh Trung cùng với đó là phối hợp với họ Trịnh ở Đài Loan thành lập mặt trận phản Thanh. Những người này đã hô hào nhân dân ly khai nhà Thanh tiến về vùng biển ở khu vực Đông Nam (Quảng Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến, Đài Loan…) để xây dựng lực lượng chống lại nhà Thanh, giành lại giang sơn cho người Hán. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến cho nhà Thanh thực thi chính sách Cấm biển đó là bởi vì người Mãn Châu vốn là những người giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, chủ yếu chinh chiến trên lưng ngựa, rất hạn chế trong lĩnh vực thủy chiến.

Như vậy, trước những biến động của quốc tế và khu vực, cũng như ngăn chặn nguy cơ của phong trào “phản Thanh phục Minh” từ các thế lực người Hán đến từ Đài Loan và các khu vực biển ở phía Đông Nam. Trong đó đặc biệt là các thế lực chống đối đến từ người Hán, sự tồn tại của các thế lực chống đối đó đem lại những bất lợi cho triều đình nhà Thanh, chính vì vậy nhà Thanh đã từng bước thực thi chính sách “Hải Cấm” của mình. Mục đích cuối cùng của chính sách này là bảo vệ được thành quả của người Mãn Châu, xây dựng và củng cố chính quyền Trung ương tập quyền ngày một vững mạnh.

  1. Nội dung cơ bản của chính sách Hải Cấm

Trong những thập niên đầu khi mới được thành lập, các thế lực chống lại nhà Thanh nhằm khôi phục lại nhà Minh diễn ra ở nhiều nơi, nên nhà Thanh chủ yếu tập trung vào việc chống lại các thế lực này và củng cố quyền lực trên đất liền, mà chưa chú ý, quan tâm tới vùng biển cũng như hải đảo. Tuy nhiên, trong thời gian chống lại các lực lượng người Hán, nhà Thanh mới nhận ra tầm quan trọng của biển và hải đảo, đặc biệt là sau khi người Hán bị đánh bại, rút khỏi lục địa ra chiếm đóng các hòn đảo ven bờ, biến nơi đây thành căn cứ địa để chống lại chính quyền nhà Thanh. Đến đây, nhà Thanh mới thực sự chú ý tới việc trấn áp, khẳng định quyền lực ra phía biển.

Để ngăn chặn và tiến tới tiêu diệt lực lượng “phản Thanh phục Minh”, vì vậy mà không lâu sau vào Bắc Kinh nhà Thanh lại tiếp tục sử dụng lại chính sách của nhà Minh, bằng cách ban hành chính sách Hải Cấm. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, chính sách này hầu như chưa có hiệu lực, bởi khu vực duyên hải Đông Nam Trung Quốc trên thực tế vẫn do các thế lực chống đối quản lý. Phải đến năm Thuận Trị thứ 13 (1655), sau 5 năm thực hiện quyền chấp chính, Thuận Trị đã sắc dụ cho Đốc phủ đề trấn các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Nam, Sơn Đông, Thiên Tân với nội dung nghiêm ngặt: “Nghiêm cấm tàu thuyền tư thương tự ý ra biển, nếu có kẻ mang lương thực, hàng hóa để giao thương với nghịch tặc… Bất kể là quan hay dân, đều phải tấu trình chính pháp. Hàng hóa thì tịch thu, tài sản kẻ vi phạm ban cho người tố cáo. Các quan văn võ ở địa phương không truy cứu giam bắt, đều cách chức, trị tội thật nặng, địa phương mà có kẻ thông đồng, chứa chấp, không tố cáo đều khép tội chết…[3]

Năm Thuận Trị thứ 18 (1661), sau khi quân đội Mãn Châu đánh bại Trịnh Thành Công – lãnh tụ nổi tiếng và quan trọng nhất trong số những lực lượng phản Thanh ở vùng Đông Nam, buộc ông ta cùng quân lính phải tháo chạy ra biển. Đến đây, hoạt động quân sự của nhà Thanh chống lại thế lực chống đối mình về cơ bản đã hoàn thành, thực lực của triều Thanh được củng cố, một chính quyền thống nhất từng bước từng bước được ổn định. Để ngăn ngừa Trịnh Thành Công quấy phá vùng duyên hải, năm 1661 quan phụ chính đại thần dưới thời vua Thuận Trị là Oboi (Ngao Bái)[4] hạ lệnh cho dân cư phải di dời vào nội địa, cách bờ biển 30 đến 50 dặm để không tiếp ứng được với giặc ngoài biển. Đồng thời còn cho lập tuyến phòng thủ, cấm dân vượt tuyến, triệt bỏ tất cả nhà cửa ruộng vườn.

Vua Khang Hy lên ngôi (1662), nhà Thanh hai lần đem quân đánh Đài Loan (1664 và 1665) nhưng không thành công. Đến đây, việc cấm biển được thực hiện một cách qui mô và bài bản hơn, bằng việc hoạch định giới tuyến dọc ven biển, cưỡng bức tất cả cư dân sống ở vùng duyên hải phải rút lui vào đất liền nhằm cô lập lực lượng phản Thanh ở ngoài biển. Từ Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô lên đến Sơn Đông dân chúng không những không ai được làm nghề đánh cá mà tất cả thuyền bè của các tỉnh miền Nam đều bị thiêu hủy, một tấc gỗ cũng không được thả xuống nước, ai vi phạm sẽ bị kết tội thông đồng với giặc. Trong Khang Hy thực lục chép lại sự kiện này như sau: “Giặc biển bàn cứ tại các xứ như Hạ Môn (Phúc Kiến), cấu kết với giặc trong núi, phiến động mê hoặc địa phương, nguyên do dựa vào dân ven biển tại vùng tỉnh Phúc Kiến. Đáng theo lệ vào năm Thuận Trị thứ 18 (1661) lập ranh giới, đem dân chúng ngoài ranh giới đồng loạt di cư vào nội địa; thân sức cấm biển nghiêm, tuyệt đường giao thông. Nhưng dân nghèo khổ, một lần dời chỗ ở, phải bỏ ruộng vườn, khó mà mưu sinh, riêng đem lòng trắc ẩn. Nay cho miễn hết các ngạch thuế, dao dịch, tạp dịch; các viên Tổng đốc, Tuần phủ giao cho viên chức có khả năng liệu lý, để định cư vào đúng chỗ, khiến không bị khổ luỵ”[5].

Lệnh cấm biển được thực thi chặt chẽ đến độ vào những ngày biển động không có một chiếc thuyền nào từ đất liền được phép ra biển và tất cả các thuyền từ nước ngoài đều bị cấm vào các cảng trong đất liền. Trong thời gian đó, lục địa gần như ngừng tất cả các quan hệ thương mại với nước ngoài, ngoại trừ quy mô giới hạn ở Macao. Với biện pháp cấm biển này, Khang Hy đã hạn chế được rất nhiều sự quấy rối của quân Trịnh Thành Công cũng như các thế lực chống đối khác ở bên ngoài. Tuy nhiên, chính sách này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho những người ngoại quốc đang sinh sống tại các vùng thương khẩu. Các đồn phòng thủ cũng tăng lên mỗi nơi 2.000 quân, bố trí các loại súng lớn kiểu phương Tây để đề phòng giặc biển kéo vào. Triều đình cũng phân phối lương thực theo đầu người, mỗi lần cung cấp chỉ ăn được vài ngày, đồ dùng phải khai báo, khi muốn sử dụng phải được sự cho phép của quan quân. Chợ búa nay chỉ được phép mở ra một tháng hai lần, dân chúng từ nay tuyệt đối không không được tự ý ra biển buôn bán. Tiếp đó, Khang Hy lại ban chiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cấm biển, và khẳng định chính sách này không thể bãi bỏ: “Trước đây nhân Bình nam vương Thượng Chi Tín tâu rằng Việt Đông (Quảng Đông) tuy đã bình định, nhưng nghịch tặc họ Trịnh (Trịnh Thành Công) vẫn còn chiếm Hạ Môn; nên ra lệnh cấm biển, để tuyệt mầm loạn. Bởi vậy chuẩn từ giới tuyến cũ, thi hành nghiêm cấm. Nay nếu lại bỏ việc cấm biển, cho thương dân buôn bán tự nhiên, sợ bọn gian thừa cơ hội cùng giặc giao thông, xâm nhiễu dân ven biển cũng không chừng. Vậy cấm biển không thể khinh suất bỏ”.[6]

Sau khi dẹp yên loạn Tam phiên, năm 1683 Khang Hy quyết định đem binh thu phục Đài Loan, đến cuối năm 1683 thì nhà Thanh chiếm được toàn bộ đảo Đài Loan. Đến đây, hoạt động quân sự của nhà Thanh chống lại thế lực chống đối mình về cơ bản đã hoàn thành, một chính quyền thống nhất từng bước từng bước được hiện thực. Năm 1684, một năm sau khi Đài Loan chính thức thuộc về triều đình nhà Thanh, vua Khang Hy đã cho tiến hành tái mở cảng biển và cho phép người dân ra nước ngoài trở lại, lệnh phải cư ngụ cách bờ biển 30 dặm cũng đã được bãi bỏ. Năm 1685, bốn trạm hải quan được lập ra ở Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến), Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang) và Tùng Giang (tỉnh Giang Tô) một cách tách biệt nhau để buôn bán với nước ngoài. Như vậy 40 năm sau khi nhà Thanh được thành lập, chính sách cấm biển mới được chính quyền nới lỏng, quan hệ thương mại của Trung Quốc với nước ngoài cuối cùng cũng bắt đầu bình thường trở lại. Trong nửa sau triều vua Khang Hy (1662 – 1722), không chỉ các thuyền buôn nước ngoài có thể đến để buôn bán với Trung Quốc tại những cảng biển mà chính phủ nhà Thanh mở cửa, mà hoạt động thương mại trên biển của các thương nhân Trung Quốc cũng phát triển nhanh chóng, mặc dù sự trao đổi buôn bán với nước ngoài và đi ra nước ngoài buôn bán của các thương nhân Trung Quốc vẫn đặt dưới sự giám sát của chính quyền, nhất là trong việc trao đổi buôn bán với Đài Loan – hòn đảo luôn luôn bị nhìn nhận với cặp mắt nghi kỵ và khinh miệt.

Tuy nhiên, chính sách mở cảng biển và cho phép người dân ra nước ngoài của chính quyền nhà Thanh cũng không duy trì đước lâu. Đến những năm cuối của thời Khang Hy, chính sách biển của nhà Thanh lại trở nên bảo thủ, tự ti trở lại và nó đã khiến Trung Quốc dần dần bước chân vào tình trạng một Nhà nước đóng cửa nửa chừng đối với những mối giao thiệp quốc tế, cho tới khi chính quyền nhà Thanh bị đánh bại trong cuộc Chiến tranh thuốc phiện (1840 – 1842). Sự thay đổi này bắt nguồn từ mối lo ngại sâu sắc rằng lực lượng chống lại chính quyền nhà Thanh ở trong nước vốn đã tồn tại, thậm chí ngay cả trong nội bộ người Mãn Châu cũng nảy sinh những vấn đề, đó là việc có một số người Mãn thông đồng với người Hán ở nước ngoài nhằm tiêu diệt sự thống trị của nhà Thanh. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra bốn nguyên nhân quan trong nữa khiến cho Khang Hy áp dụng lệnh cấm biển trở lại: thứ nhất, lương thực trong nội địa bị mang bán ngoài biển; thứ hai, thương nhân đóng tàu trong nước rồi đem bán ra nước ngoài; thứ ba, người trong nước ra nước ngoài không quay về; thứ tư, nỗi lo về vùng biên giới phía Bắc và nạn hải tặc manh động.[7]

Xuất phát từ lý do đó và cũng để bảo vệ sự an nguy của dòng tộc, năm 1716, vua Khang Hy ra lệnh cấm tàu thuyền tới biển phía Nam, đồng thời chính quyền nhà Thanh còn ban hành một loạt các lệnh cấm khác như tiến hành quản lý nghiêm ngặt hơn đối với các tàu thuyền ra biển và tăng cường kiểm soát tại các cảng biển. Tất cả những người đã định cư ở nước ngoài phải trở về Trung Quốc trong vòng 3 năm, những ai vi phạm lệnh cấm cư trú ở nước ngoài một lần nữa thì sẽ bị dẫn độ về nước và bị xử tử. Tuy nhiên, lệnh cấm biển trong giai đoạn này không giống với lại thời kỳ đầu, mà chỉ cấm người Trung Quốc ở khu vực các cảng biển thuộc khu vực tỉnh Phúc Kiến ra biển, hơn nữa gới hạn vùng cấm thuộc Nam dương/biển Đông, mà không cấm các cảng biển Đông dương và Tây dương. Các thương nhân Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha thuộc vùng biển Tây dương vẫn được tự do buôn bán, đồng thời lệnh cấm biển này cũng chỉ áp dụng đối với các thương nhân Trung Quốc mà thôi.

Dưới thời Càn Long (1736-1795), nhận thấy việc các công ty Đông Ấn của Anh đang dịch chuyển từ thương cảng Quảng Châu đến thương cảng Ninh Ba (Chiết Giang) – nơi gần vùng sản xuất các mặt hàng chủ lực, cũng như môi trường buôn bán thuận lợi hơn. Trước tình hình các thương nhân người Anh dịch chuyển địa điểm buôn bán, nhà Thanh cảm thấy hết sức lo lắng, bởi vì nó không chỉ làm giảm thu nhập của hải cảng ở Quảng Đông mà điều quan trọng nó còn dẫn tới sự định cư của người nước ngoài tại vùng duyên hải khác, điều mà chính quyển nhà Thanh không hề mong muốn và cho rằng đó là một nguy hiểm đến sự an nguy của quốc gia dân tộc. Chính vì những lý do đó, năm 1757 vua Càn Long tuyên bố rằng vào đầu năm sau, tất cả những thuyền buôn nước ngoài đến buôn bán với Trung Quốc chỉ có thể neo đậu ở Quảng Châu, không thuyền nào được phép vào Ninh Ba. Đây là một sự thay đổi quan trọng trong chính sách ngoại thương cũng như chính sách biển của Trung Quốc dưới thời Càn Long so với Khang Hy trước đó. Sau khi đóng cửa tất cả các cảng thương mại trừ Quảng Châu, Quảng Châu trở thành thương cảng quan trọng nhất của nhà Thanh lúc bấy giờ với số lượng các thương nhân ngoại quốc có mặt ở đây không dưới một ngàn người.[8] Với chính sách này, những thương nhân nước ngoài chỉ có thể buôn bán ở khu vực này, cùng với đó chính quyền Thanh còn ban hành nhiều luật lệ để hạn chế các hoạt động trao đổi, buôn bán của người nước ngoài ở Trung Quốc. Ngay tại khu vực này, tất cả các thương nhân nước ngoài đều phải rời khỏi Trung Quốc hoặc trở lại Macao ngay sau khi họ kết thúc việc buôn bán, không một ai trong số họ được phép ở lại Quảng Châu qua mùa đông.

Cuối thời Càn Long, chính quyền nhà Thanh quy định những ai trở về sinh sống ở trong nước tuy không bị xử tử như ngày trước nhưng lại bị đày đi xa, vào sâu trong đất liền sinh sống ở những vùng núi non, sa mạc. Để việc kiểm soát công việc buôn bán thêm hữu hiệu, chính quyền nhà Thanh cho mở thêm bốn thương khẩu ở Quảng Châu, tuy nhiên vẫn không cho phép các thuyền buôn ghé vào những cửa biển khác. Năm Càn Long thứ 24 (1759), nhà Thanh ban bố “Phòng Di ngũ sự – 防夷五事”. Với việc ban bố Phòng Di ngũ sự nhà Thanh đưa ra những quy định rất cụ thể: Thứ nhất, nghiêm cấm các thương nhân ngoại quốc không được ở lại Quảng Châu qua mùa đông; Thứ hai, những thương nhân ngoại quốc đến Quảng Châu phải cư trú tại những nơi quy định dành riêng cho người phương Tây, do những người buôn bán chịu trách nhiệm kiểm soát, quản thúc; Thứ ba, nghiêm cấm thương nhân người Trung Quốc vay vốn của thương nhân nước ngoài và cho các thương nhân nước ngoài thuê mướn; Thứ tư, loại bỏ những thương nhân nước ngoài trong việc tuyên truyền những thông tin lừa đảo dối trá, Thứ năm, những thuyền buôn của thương nhân nước ngoài cập bến sông Hoàng Phố đều phải có sự kiểm tra của các doanh trại.[9] Với chính sách này, chính quyền nhà Thanh đã hạn chế rất nhiều các thương nhân cũng như thuyền nước ngoài đến trao đổi, giao lưu buôn bán với Trung Quốc.

Như vậy, có thể thấy để bảo vệ quyền lợi của dòng tộc, chính quyền nhà Thanh đã thực thị chính sách Cấm biển, nhằm ngăn chặn sự liên kết giữa các thế lực phản Thanh trong và ngoài nước. Chính vì vậy, trong suốt thời kỳ dài các vị vua nhà Thanh đã thực thi chính sách hạn chế trao đổi buôn bán với nước ngoài, cũng như hạn chế các thương nhân trong nước ra nước ngoài buôn bán. Điều đó cho thấy, trong suốt thời kỳ dài nhà Thanh không coi biển cả là đối tượng cần chinh phục và khai thác mà thiên về yếu tố phòng thủ nhiều hơn. Chỉ đến khi nguy cơ mất nước cận kề, thì chính quyền mới thức tỉnh, thay đổi quan niệm biển truyền thống chuyển sang quan niệm biển hiện đại, bằng việc hình thành một loạt ý tưởng về chiến lược biển.

  1. Tác động của chính sách Hải Cấm

3.1. Bần cùng hóa cư dân ven biển

Năm Thuận Trị thứ 18 (1661), để ngăn ngừa nhóm phản loạn do Trịnh Thành Công cầm đầu ở Đài Loan tấn công, chính quyền nhà Thanh đã chính thức ban hành chính sách Hải Cấm. Theo đó, dân chúng các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông và một số tỉnh duyên hai bắt buộc phải di dời và sâu trong đất liền, không ai được hành nghề đánh cá, tất cả thuyền bè của các tỉnh miền Nam đều bị tiêu hủy, đến nỗi tác gỗ cũng không được thả xuống dưới nước, ai vi phạm sẽ bị kết tội thông đồng với giặc.[10] Dân chúng các vùng duyên hải phải dời vào sâu trong nội địa từ 30 đến 50 dặm[11], nhà cửa ruộng đất đều phải đốt hết. Trên từ Liêu Đông dưới tới Quảng Đông đều phải di cư vào rồi xây tường, dựng địa giới, cắt binh trấn giữ, ai ra ngoài sẽ bị xử tử.[12] Sau khi Thuận Trị qua đời, Khang Hy lên nối ngôi, ông tiếp tục thực thi chính sách Hải Cấm mà Thuận Trị đã ban hành. Trong thời gian này, Khang Hy đã 3 lần phát lệnh di dời dân vùng duyên hải vào sâu trong đất liền, triệt phá nhà cửa, thực hiện kế sách vườn không nhà trống đối với khu vực ven biển, không cho phép người dân ra biển, những ai vi phạm thì sẽ phải chịu những hình phạt thảm khốc. Trong Đại Thanh luật lệ quy định rõ, phàm những kẻ đem trâu ngựa, quân nhu, hàng sắt, tiền đồng, tơ lụa gấm vóc đem bán ra ngoài, phạt 100 trượng; nếu đưa người hoặc binh khí xuất cảnh thì xử giảo.

Năm 1717, Khang Hy ban hành lệnh cấm tất cả các thuyền bè tới biển phía Nam, đồng thời nhà Thanh cũng ban hành cũng ban hành một loạt các lệnh khác đối với cư dân ven biển, cũng như tăng cường kiểm soát tại các cảng bờ biển. Triều đình còn ban hành quy định tất cả những người đã định cư ở nước ngoài phải trở về Trung Quốc trong vòng 3 năm và những ai vi phạm lệnh cấm cư trú ở nước ngoài sẽ bị dẫn độ về nước xử tử. Ngoài ra, triều đình nhà Thanh còn ra lệnh bắt buộc nhân dân trong cả nước phải cạo tóc, thắt bím đuôi sam, ăn mặc như người Mãn. Cùng với đó là chính sách cai trị hà khắc, độc đoán của chính quyền Trung ương. Chính những hành động này, cùng với việc chiến tranh nổ ra liên miên trong những năm đầu thời nhà Thanh nắm quyền, đã khiến cho nhân dân không có công ăn việc làm, tầng lớp thương nhân, thợ thủ công, dân nghèo… phải rời bỏ quê hương ra nước ngoài làm ăn sinh sống, nhiều người đã phải bỏ mạng trên đường đi hoặc mất mạng nơi đất khách quê người để tìm cơ hội buôn bán, đợi tình hình trong nước yên ổn mới tìm cách trở về quê hương.

Bên cạnh đó, với chính sách cấm biển này, ngoài việc khiến cho ngư dân không có công ăn việc làm, tầng lớp thương nhân, thợ thủ công, dân nghèo… phải rời bỏ quê hương ra nước ngoài làm ăn sinh sống, thì một bộ phận không còn con đường nào khác phải tham gia những toán cướp biển, để duy trì cuộc sống. Trong cuốn Cướp biển Hoa Nam học giả Mỹ Dian H. Murray cho rằng: Cướp biển vùng duyên hải Nam Trong Quốc là do sự chuyển biến từ một số ngư dân, làng chài, mà có rất ít chứng cứ cướp biển là những người bạo loạn, phản kháng chế độ chuyên chế… tư tưởng chính chị rất khó để có thể liên kết các cướp biển với nhau lại. Động cơ đầu tiên của họ chỉ là tiền… đối đầu giữa họ và quân đội không phải tranh giành quyền lực chính trị mà thực chất chỉ là tranh giành kinh tế… Trong việc bảo kê và thu phí bảo kê các thuyền muối, thuyền đánh cá và các làng ven sông ở Trung Quốc cho thấy cướp biển một lần nữa khẳng định các đặc quyền mà không hứng thú với việc lật đổ chính quyền trung ương.[13]

3.2. Củng cố chính sách thương mại triều cống

Ngay từ thời thượng cổ, người Trung Quốc vẫn luôn tự coi mình là trung tâm của vũ trụ, người dân dân sống dưới gầm trời Trung Quốc là Hoa Hạ, còn lại những quốc gia khác như những cánh hoa, bao bọc, vây lấy nhụy hoa. Cùng với quan niệm Hoa Hạ và giao thương với bên ngoài ngày càng phát triển, thì tầng lớp thống trị ở Trung Quốc thời cổ – trung đại đã đưa trật tự Hoa – Di[14] và chế độ Triều cống vốn có giữa trung ương với địa phương ở quốc gia này, từng bước chuyển sang áp dụng với các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Với trật tự Hoa – Di này, Trung Quốc đã biến nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới trở thành những nước chư hầu, đồng thời phải thần phục và triều cống họ. Theo John K. Fairbank, có 3 nhóm phiên thuộc chính: thứ nhất, những quốc gia đồng văn kề cận với Trung Quốc, trong quá khứ đã từng bị họ cai trị, chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Hán như Triều Tiên, Đại Việt, Lưu Cầu…; thứ hai, những quốc gia ở vùng Trung Á có liên quan mật thiết trong lịch sử với họ, mặc dù cũng kế cận nhưng chủng tộc và tiếng nói khác với người Trung Quốc; thứ ba, những quốc gia ở xa được mệnh danh là ngoại di, ở xa xôi chưa thấm nhuần vương hóa, nhưng thần phục thiên triều qua đường thương mại.[15]

Với chính sách Hải Cấm mà nhà Thanh thực thi trong thời gian này thì các thương nhân Trung Quốc không được phép đi ra nước ngoài, ngược lại các thương nhân nước ngoài cũng chỉ được phép đến trao đổi buôn bán ở một số những cảng biển nhất định do triều đình nhà Thanh quy định. Chính vì vậy, trong thời kỳ này, hoạt động ngoại thương hợp pháp chủ yếu là thương mại triều cống, theo đó chỉ những thuyền nước ngoài đến triều cống chính quyền nhà Thanh mới được phép buôn bán. Do vậy, nhiều nước bên ngoài Trung Quốc mượn danh nghĩa đến triều cống để tiến hành những hoạt động thương mại, chính vì thế ngoài những cống phẩm họ còn mang theo nhiều loại hàng hóa để trao đổi, buôn bán với Trung Quốc. Ngược lại, triều đình nhà Thanh cũng muốn thông qua hoạt động triều cống để trao đổi hàng hóa ở trong nước, cũng như có được những mặt hàng mà trong nước không sản xuất được. Ngay cả các thuyền đến triều cống thì bên cạnh những cống phẩm họ cũng chỉ được phép mang theo một số lượng hàng hóa nhất định để bán trên đất Trung Quốc. Đồng thời, họ cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của triều đình nhà Thanh trong việc neo đậu tàu thuyền ở những cảng biển mà triều đình cho phép. Như vậy chúng ta có thể hiểu, trong thời gian mà nhà Thanh thực hiện chính sách cấm biển, chỉ những nước nào thiết lập quan triều cống thì mới được phép trao đổi buôn bán trên đất Trung Quốc, còn lại các quốc gia không thực hiện nghĩa vụ triều cống thì chỉ có thể buốn bán với Trung Quốc, thông qua các thương nhân trung gian.

Bên cạnh đó, để củng cố hơn nữa chế độ thương mại triều cống, triều đình nhà Thanh còn ban hành chính sách hạn chế những thương nhân đến từ bên ngoài, trong đó chủ yếu là thương nhân Hà Lan và Bồ Đào Nha. Chính vì vậy, sau khi đã kiểm soát được Đài Loan triều đình nhà Thanh đã ra lệnh cho các cương thần (quan lại tại những khu vực biên giới hay bờ biển), đốc thúc cho nghiêm ngặt, bọn Di ở Áo Môn lại càng nên đề phòng. Việc an nguy tại địa phương là do việc mua bán mà ra, mà mua bán lợi hại thế nào cũng là bởi đám Di thương (thương nhân Hà Lan và Bồ Đào Nha).[16] Với sắc lệnh này, các thương nhân nước ngoài rất khó có thể tự do trao đổi, buôn bán tại Trung Quốc, nếu muốn thuận lợi cho công việc buôn bán buộc họ phải tiến hành hoạt động triều cống chính quyền trung ương.

3.3. Hạn chế những ảnh hưởng thực dân từ phương Tây

Thế kỷ XVII, khi mà nền kinh tế hàng hóa có những bước phát triển mạnh mẽ, thì các nước Tây Âu càng cần đến thị trường phương Đông. Bởi vì, nguồn hàng hóa phong phú (vàng, bạc, tơ lụ, bông vải, gia vị, hương liệu…) của phương Đông là nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cho thị trường, cũng như các nhà máy xí nghiệp của phương Tây. Bên cạnh đó phương Đông cũng là thị trường rộng lớn để tiêu thụ hàng hóa của các nước phương Tây. Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động giao thương giữa phương Đông và phương Tây, đã kính thích mạnh mẽ các thương nhân phương Tây tìm cách đến phương Đông buôn bán. Trong khi đó, với dân số đông, diện tích rộng, tài nguyên phong phú Trung Quốc trở thành một thị trường khổng lồ mà bất kỳ thương nhân nước nào cũng muốn tới để buôn bán. Trung Quốc trở thành mục tiêu quan trọng nhất ở phương Đông mà các nước thực dân phương Tây hướng tới.

Tuy nhiên, khi phương thực dân phương Tây thâm nhập vào Trung Quốc, đã mang theo những ảnh hưởng không nhỏ đến với một xã hội truyền thống kiểu Trung Quốc. Những ảnh hưởng đó thế hiện trên các lĩnh vực như:

Thứ nhất, trên lĩnh vực kinh tế: Trước khi các nước phương Tây tiến hành xâu xé, thôn tính Trung Quốc thì nền kinh tế nước này đã lâm vào tình cảnh hết sức bi thảm. Giai cấp thống trị cũng ra sức bóc lột nhân dân lao động, triều chính hủ bại, quan lại bất tài. Nông dân là những người lao động chính của xã hội, nhưng họ bị áp bức hết sức nặng nề, hầu như không có công cụ phương tiện sản xuất, trong xã hội phần lớn đất đai thuộc quyền sở hữu của giai cấp địa chủ. Bên cạnh đó, nông dân còn phải chịu tô thuế nặng nề, cùng nhiều chính sách thuế má, phu phen tạp dịch, dẫn đến đời sống nhân dân ngày một thêm khổ cực. Trong lĩnh vực thương nghiệp, thì chính quyền phong kiến Trung Quốc cũng thi hành chính sách “trọng nông ức thương”, cấm buôn bán với phương Tây. Nhưng từ khi thực dân phương Tây tràn vào, nhất là hoạt động trao đổi buôn bán của thương nhân ngoại quốc đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Trong nông nghiệp, yếu tố kinh tế hàng hóa đã bắt đầu xuất hiện và có những bước phát triển nhất định. Trong xã hội đã có hiện tượng các lái buôn xuất vốn cho nông dân trồng trọt và cuối vụ thu theo sản phẩm. Trong lĩnh vực thủ công nghiệp, xuất hiện ngày càng nhiều các xưởng sản xuất quy mô lớn hơn, sau đó thuê công nhân đến lao động và trả công cho công nhân bằng hình thức tính tiền theo ngày. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, cùng với đó là sự thâm nhập ngày càng sâu sắc của Chủ nghĩa tư bản phương Tây đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế, từng bước phá vỡ tính khép kín của nền kinh tế Trung Quốc. Trong đó, hoạt động kinh doanh của các thương nhân phương Tây là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc hình thành quan hệ sản xuất Tư bản chủ nghĩa trong lòng một đất nước được cho là điển hình của quan hệ sản xuất phong kiến ở phương Đông như Trung Quốc.

Thứ hai, về mặt chính trị: trước khi thực dân phương Tây thâm nhập xã hội phong kiến Trung Quốc mang nặng tính chất quan liêu, độc đoán, với mô hình Nhà nước quân chủ chuyên chế tuyệt đối, mọi quyền hành đều được nằm trong tay nhà vua. Vua được coi là con trời, thay trời hành đạo, cai quản toàn bộ thần dân, có quyền phung phí tài sản quốc gia trên xương máu của nhân dân. Đến thời kỳ này, cùng với sự thâm nhập của thực dân phương Tây, xã hội Trung Quốc đã từng bước chuyển dần sang chế độ nửa phong kiến nửa thuộc địa. Chế độ chính trị mới xuất hiện trong xã hội Trung Quốc, đã làm xuất hiện những mâu thuẫn mới trong lòng xã hội quốc gia này. Đến đây, về cơ bản xã hội Trung Quốc tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản: một là, mâu thuẫn tồn tại lâu đời trong lòng xã hội đó là giữa đông đảo quần chúng nhân dân vơi tầng lớp địa chủ quan lại; hai là, xuất hiện thêm mâu thuẫn mới trong xã hội đó là mâu thuẫn giữa nhân dân với các thế lực đế quốc. Với những mâu thuẫn này, đã đặt ra cho người dân Trung Quốc, một là tiến hành lật đổ chính quyền phong kiến đương thời và thay thế vào đó một một triều đại khác đưa xã hội tiến lên theo hướng mới – tư bản chủ nghĩa, có khả năng canh tân đất nước và bảo vệ nền độc lập dân tộc; hai là, để đất nước mình rơi vào tay của các cường quốc, thực dân phương Tây và trở thành thuộc địa của chúng.

Thứ ba, trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng: cùng với sự thâm nhập của chủ nghĩa thực dân phương Tây, xã hội Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thay đổi trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Nếu như trước đây tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội, là bệ đỡ tư tưởng cho mô hình quan liêu tập quyền của Trung Quốc, đồng thời coi Nho giáo là nền tảng cho mọi hoạt động về chính trị và xã hội. Đến giai đoạn này, cùng với sự xâm thực của chủ nghĩa thực dân phương Tây thì đạo Kitô cũng từng bước thâm nhập và có những ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các quốc gia Đông Á và Trung Quốc nói riêng, nó từng bước phá vỡ truyền thống Tam giáo đồng nguyên của một số quốc gia này. Trong giai đoạn này, Trung Quốc phải đối mặt với 3 vấn đề lớn: thứ nhất, để cho đạo Kitô tự do truyền bá và phát triển hay tiến hành ngăn chặn rồi từng bước tiến hành cấm đạo, không cho phép đạo Kitô bám dễ ở nước mình; thứ hai, tiến hành chiến đấu chống lại thực dân phương Tây hay là hòa hoãn để bảo vệ độc lập của quốc gia dân tộc mình; ba là, tiến hành canh tân, thúc đẩy phát triển kinh tế bảo vệ độc lập chủ quyền hay đóng cửa đất nước, không cho thực dân phương Tây thâm nhập, để bảo vệ quyền lợi dòng họ cũng như chủ quyền đất nước.

Kết luận

Qua những phân tích trên, chúng ta có thể thấy chính sự nghi kỵ của vua quan nhà Thanh đối với những phần tử bài Mãn phục Minh, cũng như đối với các giáo sĩ và sự tham lam của tư bản phương Tây trong khát vọng thôn tính và độc chiếm thị trường rộng lớn này, đã khiến cho chính quyền nhà Thanh chuyển sang thụ động, thu mình, bằng những chính sách Hải Cấm trong kỷ nguyên hằng hải, nhằm hạn chế sự lộng hành cũng như những ảnh hưởng tiêu cực đến từ phương Tây. Điều này, cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, củng cố chính sách thương mại chiều cống của Trung Quốc, cũng như ngăn chặn những ảnh hưởng đến từ thực dân phương Tây. Tuy nhiên, chính sách này cũng đã lại những hệ lụy rất lớn đối với xã hội Trung Quốc. Với việc chính quyền nhà Thanh thực thi chính sách Hải Cấm không những làm cho người dân trong nước, nhất là cư dân các tỉnh ven biển lâm vào tỉnh cảnh khốn quẫn, mà còn khiến cho Trung Quốc mất đị cơ hội dự nhập sâu rộng vào hệ thống thương mại khu vực và thế giới, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong nước, đưa Trung Quốc thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu so với phương Tây.

TS. Đinh Tiến Hiếu – Đại học QGHN-ĐHKHXHNV

(Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử)

 

CHÚ THÍCH

[1] Thuật ngữ Chủ nghĩa thực dân (colonialism), chỉ sự xâm lược và thống trị thuộc địa của chủ nghĩa tư bản. Các nước tư bản đem quân xâm chiếm, xóa bỏ nền độc lập các nước, đặt bộ máy cai trị, dùng giai cấp phong kiến thống trị cũ làm tay sai, bù nhìn cho chúng để đàn áp và bóc lột nhân dân. Chế độ thực dân đàn áp, bóc lột nhân dân thuộc địa rất dã man, tàn khốc. (Phan Ngọc Liên (2000), Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông, Nxb, Đại học Quốc gia Hà Nôi, tr.100). Trên thực tế Chủ nghĩa thực dân đã ra đời ở phương Tây từ thời cổ đại, dùng để chỉ sự chiếm đóng và nô dịch của đế chế La Mã cổ đại đối với các vùng ngoại vi khác nhau ở châu Âu và Bắc Phi. Sau đó, trong thời kỳ cận đại và hiện đại, thuật ngữ này tiếp tục được sử dụng để chỉ sự bành trướng thế lực của các cường quốc tư bản chủ nghĩa phương Tây ra các khu vực còn lại của thế giới thông qua các hoạt động chinh phục, thống trị và khai thác/khai hóa các thuộc địa (colonia).

[2] 乔明顺 (1993), 世界近代史,北京人民出版社,第120页。Kiều Minh Thuận (1993), Lịch sử thế giới cận đại, Nxb, Nhân dân Bắc Kinh, tr.120.

[3] 大清会典事例 Đại Thanh Hội điển sự lê là một bộ sách ghi chép toàn bộ các điều lệ của nhà Thanh do triều đình nhà Thanh biên soạn.

[4] Ngao Bái (? – 1669), dưới triều Khang Hy, ông là một trong tứ trụ đại thần quyền cao, chức trọng, tuy nhiên Ngao Bái thường ngạo mạn khinh vua nhỏ, thường cáo bệnh ốm không vào triều, khiến Khang Hy phải đến tận nhà thăm hỏi. Năm 1669, khi Ngao Bái vào cung yết kiến, Khang Hi ra lệnh cho đội thị vệ thân tín bắt giữ. Ông kể tội, cách chức Ngao Bái, vì nể công lao từng cứu sống Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực, Khang Hy tha chết và giam Ngao Bái vào ngục, đồng thời ra lệnh bắt những người trong cùng vây cánh Ngao Bái. Không lâu sau khi bị bắt giữ, Ngao Bái lâm bệnh chết trong ngục.

[5] 《康熙实录 – 圣祖仁皇帝实录》康熙十七年,戊午三月。(Khang Hy thực lục – Thánh Tổ Nhân hoàng đế thực lục, Khang Hy năm thứ 17, Mậu Ngọ thảng 9).

[6] 《康熙实录 – 圣祖仁皇帝实录》康熙十七年,戊午三月。(Khang Hy thực lục – Thánh Tổ Nhân hoàng đế thực lục, Khang Hy năm thứ 17, Mậu Ngọ thảng 9).

[7] 清圣祖实录,卷163,第6页。(Thanh Thánh tổ thực lục, quyển 163, tr.6).

[8]明清时期澳门问题,档案文献汇编,第1册,人民出版社,1999年,第254页。(Vấn đề Áo Môn trong thời kỳ Minh Thanh, văn kiện tài liệu, quyển 1, Nxb Nhân dân, 1999, tr.254).

[9] 《清高宗实录》卷550。(Thanh Cao Tông thực lục, quyển 550).

[10] 姚嘉文(2003), 十句话影响台湾, 台北, 正中书局,弟33页。(Diêu Gia Văn (2003), Mười câu nói ảnh hưởng Ðài Loan, Đài Bắc, Chính trung Thư cục, tr.33).

[11] là một đơn vị đo khoảng cách được dùng từ thời xa xưa, tiếng Anh là mile, tiếng Trung là 华里. Trong đó 1 dặm Anh bằng 1.609, 344m; ngược lại 1 dặm của Trung Quốc chỉ bằng 500m.

[12] 姚嘉文(2003), 十句话影响台湾, 台北, 正中书局,弟33页。(Diêu Gia Văn (2003), Mười câu nói ảnh hưởng Ðài Loan, Sđd, tr.33.

[13] Dian H Murray: Prirates Of The South China Coast 1790-1810 (Cali: Stanford University Press, 1987) tr. 32-39.

[14] Theo quan niệm của người Trung quốc, Trật tự Hoa – Di chính là lấy văn minh Trung Hoa làm cơ sở để hình thành nên thế giới quan  hoặc hệ thống trong thế giới nhận thức của người Trung Quốc cổ đại. Quan hệ chủ đạo trong trật tự Hoa – Di này chính là lấy Trung Qốc làm trung tâm, các nước Nhun,g Di, Man, Địch xung quanh tiếp nhận sắc phong và tiến hành triều cống Trung Quốc, chịu sự ràng buộc đối với chính quyền phong kiến Trung Quốc.

[15] John K. Fairbank (1970), The Chinese World Order, 2nd ed. (Mass.: Havard University Press, p.2.

[16]马大正,中国边疆经略史,中州古籍出版社出版,2000 年,第277页。(Mã Đại Chính (2000), Trung Quốc biên cương kinh lược sử, Trung Châu cổ tịch xuất bản xã xuất bản, tr.277).