Ấn tượng đất và người phía Tây Nam xứ Thanh

Cả dải đất Bắc Trung Bộ nóng hừng hực, từng đợt gió Lào thổi rát bỏng, song cung đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Như Xuân bỗng mát dịu lạ thường. Mảnh đất được hưởng không khí mát lành của rừng quốc gia Bến En và hơi nước từ dòng sông Mực và các hồ nước tự nhiên. Điều dễ thấy nhất vẫn là màu xanh bạt ngàn của rừng cây gỗ lớn, rừng cao su, rừng keo. Độ che phủ của rừng Như Xuân đã làm cho mảnh đất này trở nên quyến rũ giữa mùa hè.

Cán bộ nhân viên Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Như Xuân trong chuyến điền dã tại xã Xuân Bình

 

Đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt về với huyện Như Xuân vào trung tuần tháng 6, năm 2023 để tiếp tục cuộc hành trình ghi chép thực hiện các đề tài, lịch sử văn hóa của vùng đất này.

Như Xuân là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, nơi cư trú của 4 dân tộc anh em, bao gồm: Thái, Thổ, Mường, Kinh. Trải qua quá trình lịch sử, từ lâu đời, các thế hệ người dân Như Xuân đã đoàn kết, gắn bó bên nhau, cần cù, sáng tạo trong lao động, kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước.

Vào thế kỷ XV, dưới ngọn cờ của thủ lĩnh Nguyễn Chích, nhân dân Như Xuân tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh giành lại giang sơn. Cuối thế kỷ XVIII, Nhân dân Như Xuân đồng tâm gia nhập nghĩa quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh. Đến cuối thế kỷ XIX, khi phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân lan rộng, đồng bào các dân tộc Như Xuân đã nổi dậy tham gia tích cực nghĩa quân Cầm Bá Thước.

Khi có Đảng lãnh đạo, nhiều cơ sở cách mạng trong quần chúng được thành lập và đi vào hoạt động góp phần dành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 25/8/1949, tại Đồng Ớt, xã Yên Cát (nay là xã Hoá Quỳ) Đảng bộ huyện Như Xuân được thành lập. Từ đây nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân đã có Đảng bộ trực tiếp lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Địa bàn huyện như Xuân có 24 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 7 di tích và danh lam thắng cảnh được xếp hạng trong đó có di tích lịch sử cách mạng nơi thành lập Đảng bộ đầu tiên (xã Hóa Quỳ).

Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Như Xuân đã khai thác nhiều tư liệu giá trị của địa phương để xây dựng các đề tài lịch sử cách mạng, hiện nay các đề tài đang trong giai đoạn hội thảo lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương để tiếp tục hoàn thiện và thẩm định.

 

Một số hình ảnh về vùng đất huyện Như Xuân

 Thác Đồng Quan, xã Hóa Quỳ

Đền 9 gian, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân nhìn từ trên cao

Màu xanh của rừng Như Xuân