Triển khai đề tài “Địa chí Hoằng Hóa”

Ngày 23/9/2023, Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt phối hợp với Huyện uỷ Hoằng Hoá tổ chức Hội nghị triển khai và lấy ý kiến đề cương Địa chí Hoằng Hoá.

 

 

Quang cảnh Hội nghị triển khai và lấy ý kiến đề cương Địa chí Hoàng Hóa

 

Hoằng Hóa là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và hiếu học, các thế hệ dân cư có lòng yêu nước nồng nàn, sống có nghĩa, có tình. Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân Hoằng Hóa cùng với các vùng quê xứ Thanh đã anh dũng, kiên cường, đóng góp sức người, sức của hoàn thành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoằng Hóa đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành quả to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, là địa phương có tốc độ phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Thanh Hóa.

 

Đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị

 

Huyện Hoằng Hóa đã có nhiều đề tài nghiên cứu về lịch sử, văn hóa trong đó có cuốn “Địa chí Văn hoá Hoằng Hoá” xuất bản năm 1995 phản ánh khá toàn diện về lịch sử và văn hóa của Hoằng Hóa. Các tác giả tập trung nghiên cứu sâu về địa lý, di tích lịch sử, giáo dục, đặc biệt là văn học, nghệ thuật, phong tục, tập quán ở Hoằng Hóa. Đây là một đề tài nghiên cứu chuyên sâu, có nhiều đóng góp về tư liệu và nhận thức. Từ nền tảng khoa học đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoằng Hóa ra chủ trương kế thừa các tài liệu, đề tài nghiên cứu, phát triển thành cuốn Địa chí Hoằng Hóa với nội dung và giá trị như một cuốn bách khoa tổng hợp về Hoằng Hóa; khẳng định Hoằng Hóa là vùng đất cổ, được hình thành và phát triển lâu dài, luôn song hành cùng với đất nước và tỉnh Thanh Hóa trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, củng cố và tăng cường niềm tự hào về những truyền thống quý báu trên các lĩnh vực đời sống xã hội; là tài liệu hữu ích của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý hoạch định chính sách địa phương, các nhà đầu tư; là tài liệu giáo dục truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ trong học tập và rèn luyện, từ đó phát huy tốt nội lực truyền thống và các nguồn lực khác để xây dựng quê hương Hoằng Hóa ngày càng giàu đẹp, phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030.  

Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt là đối tác, cơ quan chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu, đã huy động nhân lực trong và ngoài Viện, cùng các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu thuộc nhiều chuyên ngành, lĩnh vực như lịch sử, địa lý, văn hóa, dân tộc, khảo cổ, chính trị, kinh tế… nhanh chóng bắt tay vào xây dựng Bộ tài liệu thuyết minh “Tổng quan, đề cương, thể lệ tái bản có chỉnh lý, bổ sung Địa chí Hoằng Hóa” gồm những nhóm nội dung chính như tổng quan nhiệm vụ, đề cương, quy trình thực hiện, một số quy định chung, một số quy chuẩn, tiêu chí…

Bộ tài liệu là cơ sở để tổ chức Hội nghị, giúp Ban Chỉ đạo – Huyện ủy Hoằng Hóa đánh giá tính khả thi của đề tài, các đại biểu cho ý kiến thống nhất các vấn đề quan trọng (cả về nội dung, hình thức và phương pháp); giúp Ban Sưu tầm bám sát Bộ tài liệu khi xây dựng kế hoạch tổ chức sưu tầm tư liệu đảm bảo chất lượng, hiệu quả; giúp Ban Biên soạn tiếp thu ý kiến đóng góp với tinh thần khoa học, biện chứng, tuân thủ các nội dung của Bộ tài liệu, làm kim chỉ nam trong quá trình nghiên cứu.

Sau khi lắng nghe 15 lượt ý kiến đóng góp của các đại biểu, các nhà khoa học, Hội nghị đi đến thống nhất những nội dung chính, cơ bản, cùng nhất trí phấn đấu hoàn thành nghiên cứu biên soạn đề tài trong vòng 16 tháng.

VIHC